Có nhiều người vô cùng hụt hẫng khi giã từ tuổi học sinh, sinh viên bước vào đời, họ không biết mình nên tin vào điều gì bởi cuộc sống không giống như trang sách, dường như quá khắt khe với họ. Những nghịch lý họ gặp phải không bao giờ có thể thích nghi và chấp nhận được! Cũng có những khổ đau ập đến thình lình,…Từ đó họ thấy cuộc đời thật bế tắc,mất hết niềm tin, niềm hy vọng. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến bệnh trầm cảm có chiều hướng gia tăng trong thanh,thiếu niên, và cả người lớn, mang lại những hậu quả đáng buồn.
Tuy nhiên,cũng có rất nhiều người, những tấm gương âm thầm, kiên cường vượt qua mọi khổ đau, sóng gió vươn lên. Đó chính là khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống.
Vậy, khả năng thích ứng là gì?
Khả năng thích ứng là khả năng của một người thích nghi với mọi sự thay đổi của hoàn cảnh. Những thay đổi này thường rất khó khăn. Có khi đó đơn giản chỉ là sự thay đổi về tự nhiên (thời tiết, môi trường sống ), cũng có khi đó là sự thay đổi về hoàn cảnh. Có thể là những thay đổi thông thường như là thói quen ăn uống,kết hôn,khởi nghiệp, sinh con,… cũng có khi lớn hơn đó là chấm dứt một mối quan hệ, thậm chí bị mất đi người thân yêu.
Khả năng thích ứng được thực hiện ở ba cấp độ: sinh học, xã hội và tâm lý.
Ở cấp độ sinh học, khả năng thích ứng là khả năng của một người duy trì hình dạng của mình trong các giới hạn cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể khi các điều kiện của thế giới thay đổi.
Khả năng thích ứng tâm lý đảm bảo chức năng ổn định của tất cả các cấu trúc não với ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý bên ngoài.
Tính linh hoạt và khả năng thích ứng của các quá trình tâm thần thể hiện một thước đo về sự phát triển khả năng tự nhiên của cá nhân.
Khả năng thích ứng ở cấp xã hội thể hiện sự thích nghi với môi trường thông qua khả năng phân tích môi trường xã hội, các tình huống xã hội mới nổi, nhận thức về khả năng của chính mình trong hoàn cảnh hiện tại, cũng như khả năng thích nghi với mục tiêu và mục tiêu chính của hoạt động.
Sự cần thiết phải bồi dưỡng kỹ năng thích ứng.
Xét về cấp độ sinh học, kỹ năng thích ứng giúp con người duy trì sức khỏe, thể chất.
Xét về mặt tâm lý, kỹ năng thích ứng giúp con người tồn tại cân bằng trong mọi điều kiện. Nó giúp bạn thấy thoải mái trong những sự thay đổi không ngừng của cuộc đời, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống tinh thần và hạnh phúc của bạn.
Xét về mặt xã hội, kỹ năng thích ứng được hiểu là sự tích hợp của cá nhân trong xã hội, kết quả là tự nhận thức và vai trò được hình thành, tự kiểm soát và khả năng tự phục vụ, kết nối đầy đủ với người khác.
Khả năng thích ứng cao của con người góp phần vào thực tế là họ nhanh chóng đối phó với căng thẳng và chấp nhận tình hình là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, những người có khả năng thích ứng tốt có thể giúp mọi người đối phó với trải nghiệm của họ và thích ứng với tình huống.
Sự linh hoạt và khả năng thích ứng của các hành động của con người, phản ứng thường đôi lúc có thể giúp một cá nhân sống sót ngay cả trong những tình huống nguy hiểm tiềm tàng.
Những kỹ năng thích ứng cần được bồi dưỡng
Trước tiên là kỹ năng thích ứng với các loại thực phẩm. Gia đình và nhà trường hãy tạo cho trẻ những thực đơn phong phú. Hãy cho trẻ nếm mỗi thứ một chút: cay,mặn,ngọt, đắng, cá, trứng, thịt, sữa, rau,…đảm bảo để trẻ có đầy đủ dinh dưỡng và hệ tiêu hóa không phản ứng khi gặp thức ăn lạ.
Kế đến là thích ứng với môi trường. Hãy thường xuyên cho trẻ đi dạo, tập làm quen với khí hậu khắc nghiệt, không nên kiêng khem quá kỹ, lúc nào cũng ở trong phòng kín… Nếu không, khi khí hậu thay đổi đột ngột sẽ gây ra những biến chứng có hại cho sức khỏe.
Kỹ năng thích ứng với khó khăn. Đây là một kỹ năng quan trọng cần được bồi dưỡng cho trẻ. Ban đầu là thích ứng với những khó khăn trong học tập. Làm thế nào để có thể vượt qua các bài khó, môn khó, chương trình khó, không chán nản, bỏ cuộc. Sau nữa là cách vượt qua các khó khăn trong cuộc sống như những hoàn cảnh éo le có thể xảy ra trong đời. Hơn ai hết, các thầy cô giáo cần phải hướng dẫn các em cách vượt qua khó khăn, động viên, khích lệ các em “thắng không kiêu, bại không nản”.
Thích ứng xã hội là một kỹ năng cao, giúp con người tồn tại một cách có chất lượng.
Khi còn bé thì gia đình cần cho trẻ làm quen với các đám đông, để bé có thể mạnh dạn. Khi tới trường, giáo viên cần tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động nhóm, trao đổi suy nghĩ của bản thân, thuyết trình trước nhóm, lớp,… Cần phải thường xuyên tạo cho trẻ những sân chơi, những chương trình giao lưu với nhiều độ tuổi, nghề nghiệp, được tự mình giải quyết tình huống hoặc đề xuất phương án giải quyết.
Tạo cho trẻ thói quen độc lập: trẻ cần được tự do khám phá những điều mới lạ. Điều đó đòi hỏi người lớn cần cho trẻ được làm điều mình muốn, nhà trường cần giúp đỡ, hướng dẫn cho trẻ phương pháp tự học, tự khám phá.
Hãy để trẻ tự tìm cách giải quyết khó khăn trong mối quan hệ bạn bè, trong mối quan hệ với người xung quanh hoặc những khó khăn khác. Chỉ giúp đỡ khi trẻ đưa ra những phương án giải quyết tiêu cực.
Tạo cơ hội cho trẻ làm chủ cảm xúc của mình. Bố mẹ, thầy cô giáo không nên bỏ qua hoặc coi thường những cảm xúc ấy, coi đó là thứ cảm xúc “trẻ con”. Hãy để trẻ biết buồn, biết vui nhưng phải biết kiềm chế để có những thay đổi tích cực.
Không cố gắng đáp ứng toàn bộ mong muốn, đòi hỏi của trẻ.
Tạo cơ hội để trẻ có thể giúp đỡ người khác, đặc biệt là người yếu hơn mình.
Giúp trẻ duy trì thái độ tích cực với công việc nhà, công việc chung ở lớp, ở trường,ở khu dân cư.
Dạy trẻ tự kiểm soát bản thân trong việc đối mặt với các trò giải trí yêu thích.
Muốn vậy, nhà trường và các đoàn thể trong nhà trường cần tăng cường tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua các tình huống có vấn đề của hoạt động học tập và giáo dục, tạo tiền đề cho sự tự tin,linh hoạt và sáng tạo trong cuộc sống khi trẻ trưởng thành.