ĐỀ XUẤT GIẢNG DẠY CHƯƠNG TRÌNH GDPT MỚI Ở LỚP 2, 6 VÀ 10 TỪ NĂM 2018 - Trường THPT Hoàng Mai

ĐỀ XUẤT GIẢNG DẠY CHƯƠNG TRÌNH GDPT MỚI Ở LỚP 2, 6 VÀ 10 TỪ NĂM 2018

Nếu kiến nghị của Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ GD&ĐT chấp thuận thì tháng 9/2018, chương trình mới sẽ được triển khai đại trà ở lớp 1 và thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6, lớp 10.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông về vấn đề trên.

PV: Xin GS cho biết Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể như thế nào?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Từ ngày 12/4 đến nay, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vẫn thường xuyên cập nhật ý kiến của các tầng lớp nhân dân qua báo chí đóng góp cho dự thảo. Đồng thời, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT cũng đang lấy ý kiến của cán bộ quản lý cấp cơ sở và giáo viên ở 63 tỉnh, thành về dự thảo chương trình.

Đến ngày 20/5, sẽ kết thúc đợt lấy ý kiến cho dự thảo. Ban soạn thảo sẽ họp để tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, đưa ra phương án giải quyết để báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia và Bộ GD&ĐT.

Đến tháng 9/2017, dự kiến sẽ hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học để ký ban hành.

PV: Thưa GS, việc phát hành cũng như giảng dạy theo sách giáo khoa mới trên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ như thế nào khi chúng ta thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, chúng ta sẽ thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 giao Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn được thẩm định, phê duyệt công bằng với sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong dạy học ở các trường.

Theo tôi hiểu, việc này do hội đồng sư phạm của các trường tự quyết định trên cơ sở bàn bạc dân chủ, có tham khảo ý kiến phụ huynh học sinh và học sinh lớn.

Tôi cũng hình dung là trong lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa này, sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân biên soạn không nhất thiết phải phát hành cùng một lúc. Có thể lúc đầu chỉ có một số bộ sách giáo khoa hoặc một bộ sách giáo khoa. Trong những năm tiếp theo, các tổ chức, cá nhân khác có thể đúc rút kinh nghiệm từ những sách giáo khoa đã phát hành để soạn ra những quyển sách tốt hơn.


PV: Được biết, đến tháng 9/2018 sẽ phải có sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, đến tháng 9/2017, Dự thảo chương trình GDPT, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học mới được ký ban hành. Nhiều ý kiến lo ngại, chỉ có một năm để biên soạn bộ sách giáo khoa mới thì khó đảm bảo chất lượng. Ý kiến của GS về băn khoăn này như thế nào?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là công việc thời gian qua diễn ra chậm. Ngày 4/11/2016, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Có khung cơ cấu này mới có cơ sở pháp lý để biên soạn và hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông.

Các việc liên quan đến nhân sự cũng rất chậm, do phải hiệp y với đối tác là Ngân hàng Thế giới (WB). Mãi đến ngày 14/3/2017 vừa qua, WB mới có thư chấp thuận 38 thành viên các ban soạn thảo chương trình môn học. Nói thực là nếu anh chị em trong các ban soạn thảo không cố gắng, chủ động thì cũng không có được kết quả như bây giờ.

Nói về việc biên soạn sách giáo khoa mới, rõ ràng một năm là ngắn, nhưng để biên soạn một số sách giáo khoa cho các lớp đầu cấp không phải là không thực hiện được.

Nếu Bộ GD&ĐT phê chuẩn kiến nghị của chúng tôi là năm đầu tiên chỉ triển khai đại trà ở lớp 1 thì khả năng có bộ sách giáo khoa mới là hiện thực. Bởi vì nội dung giáo dục ở lớp 1 không phức tạp. Chương trình mới vẫn kế thừa nhiều nội dung của chương trình hiện hành. Ví dụ, theo chương trình nào thì sách giáo khoa Tiếng Việt cũng phải dạy cho học sinh biết đọc biết viết, biết nói một cách tự tin, mạch lạc.

Theo tôi được biết, sắp tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân đăng ký viết sách giáo khoa để họ tiếp cận với lý luận về sách giáo khoa, nghiên cứu mô hình sách giáo khoa Việt Nam và các nước cũng như cập nhật thông tin về chương trình, chuẩn bị bắt tay vào viết sách giáo khoa của mình.

PV: Xin cảm ơn GS!

Theo Vov.vn