Thi THPT quốc gia 2020: Không bỡ ngỡ khi chính thức bước vào thi - Trường THPT Hoàng Mai

Thi THPT quốc gia 2020: Không bỡ ngỡ khi chính thức bước vào thi

Năm 2019-2020, kì thi THPT quốc gia vẫn được tổ chức với mục đích xét hoàn thành tốt nghiệp THPT và cho phép các trường ĐH,CĐ sử dụng kết quả thi để xét tuyển sinh. Đây sẽ là kì thi cuối cùng trước khi có những thay đổi mạnh mẽ về phương thức tổ chức thi phù hợp với yêu cầu của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT).

Thi THPT quốc gia 2020: Không bỡ ngỡ khi chính thức bước vào thi

Ảnh minh họa.

Chú ý khi ôn tập

Cùng thời gian này năm ngoái, Bộ GDĐT đã công bố bộ đề thi minh họa các môn. Tuy nhiên, năm nay, kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm trước, nên việc Bộ GDĐT dự kiến không công bố đề thi minh họa cho năm 2020 cũng không gây bất ngờ.

Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019, nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông.

Kết quả thi có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung.

Việc công bố đề thi minh họa sẽ giúp giáo viên và học sinh có thể làm quen với cấu trúc đề, ôn tập và làm quen với cấu trúc đề thi, tránh bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức. Đề thi THPT quốc gia 2019 có nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một phần nhỏ lớp 11. Các câu hỏi trong đề tăng dần độ khó để đảm bảo tính phân hóa khi các trường xét tuyển vào ĐH, Học viện.

Có một lưu ý đối với các thí sinh và giáo viên là theo Thông tư mới nhất số: 03/2019/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT: “Nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12”. Như vậy, cũng có khả năng có câu hỏi thuộc chương trình lớp 10.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, kiến thức của hầu hết các môn đều có tính hệ thống ở các lớp học từ dưới lên nên dù nội dung thi có rơi vào một phần lớp 10 thì cũng khóng làm khó được việc dạy và học của thầy và trò. Chỉ duy nhất có môn Ngữ văn thì theo đề thi minh họa và đề thi chính thức năm 2019, phần ngữ liệu nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12. Một phần câu hỏi khác là kiến thức liên hệ thực tế nên không ảnh hưởng gì đến việc ôn tập của học sinh. Ngoài học kiến thức trên lớp cần cập nhật các thông tin thời sự khác, các vấn đề nổi cộm được xã hội quan tâm… mới có thể đạt điểm tốt ở môn Ngữ văn cũng như các bài thi khoa học xã hội.

Trước mắt, nếu Bộ GDĐT không công bố đề thi minh họa, các giáo viên và học sinh có thể căn cứ các bộ đề thi năm 2019 để làm quen với cấu trúc đề và các dạng câu hỏi trong đề thi. Theo quy chế thi hiện tại thì thí sinh sẽ thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học; viết tắt là KHTN), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT).

Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa để phục vụ cho xét tuyển ĐH,CĐ. Theo đó, đề thi cho mỗi môn thành phần trong bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu hỏi trắc nghiệm).

Chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra, giám sát thi

Từ thành công của kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GDĐT tiếp tục yêu cầu làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi THPT quốc gia. Tăng cường quán triệt quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi. Đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.

Bộ yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ vào quản lý, chỉ đạo và tổ chức kỳ thi; thực hiện nghiêm túc chế tài, chế độ thông tin, báo cáo thông tin chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi cử; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, hình thức cho kỳ thi THPT quốc gia 2020; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thi cử. Tổ chức và hoàn thiện sớm cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 sắp diễn ra.

Từ bài học gian lận sửa điểm thi ở một số địa phương năm 2019, GS.VS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng cần đặc biệt chú trọng công tác nhân sự bởi mọi hệ thống máy móc, quy trình có chặt chẽ đến đâu thì mấu chốt vẫn nằm ở người thực hiện. Lựa chọn cẩn trọng và tập huấn bồi dưỡng nghiêm túc cũng như căn cứ vào quy chế thi THPT quốc gia và các văn bản có liên quan để xử phạt nghiêm minh những người có hành vi gian dối, nhất là trong người trong ngành giáo dục để làm gương thì chắc chắn sẽ ngăn ngừa được sai phạm có thể xảy ra.

Đổi mới theo hướng nào?

Theo Cục trưởng Mai Văn Trinh, năm 2020 chưa thực hiện thí điểm việc thi trên máy tính đối với kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GDĐT đang tính toán để thí điểm việc này từ kỳ thi năm 2021 ở những nơi sẵn sàng về điều kiện và học sinh tự nguyện tham gia. Đây là điểm mới được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế được việc gian lận trong thi cử do thí sinh sẽ biết điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi. Đồng thời đây là phương án thi đã được nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng. Ngay như kỳ thi PISA vừa qua, Việt Nam cũng chưa có tên trong bảng so sánh với các nước. Một trong các lý do là vì Việt Nam làm bài thi trên giấy, kết quả có khác biệt so với các nước làm bài thi trên máy tính và cả các nước làm bài thi trên giấy khác.

Tuy nhiên, đấy mới là đổi mới về hình thức thi còn trên thực tế, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về việc có cần tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia khi mà hơn 90% đều đỗ tốt nghiệp? Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung đã chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới thúc đẩy tự chủ trong các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có việc tuyển sinh. Các trường dần tiến tới việc tổ chức kỳ thi riêng hoặc các phương án tuyển sinh khác nhau để tuyển được những sinh viên phù hợp nhất với chương trình đào tạo của mình. Như năm 2020-2021, đến thời điểm này đã có hơn 40 trường ĐH dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi đánh gía năng lực để tuyển sinh một phần. Chỉ khi nào kỳ thi THPT Quốc gia không còn “gánh” nhiệm vụ xét tuyển ĐH,CĐ thì có lẽ sẽ không cần đặt ra câu hỏi có cần tổ chức kỳ thi này nữa không.

Nguồn: Báo đại đoàn kết