THÊM THỜI GIAN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT GIÁO DỤC - Trường THPT Hoàng Mai

THÊM THỜI GIAN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT GIÁO DỤC

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ tiếp tục được lấy ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019). Đây là thông tin được ông Nguyễn Hạnh Phúc- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết tại phiên bế mạc kỳ họp vừa qua. 
Thêm thời gian góp ý cho Dự án Luật Giáo dục
Thế hệ măng non. Ảnh: Phạm Quang Vinh
Vẫn còn nhiều băn khoăn 
Trước đó, tại phiên họp thứ 26 của UBTV Quốc hội, ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về thi THPT. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông (GDPT) của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi còn có ý nghĩa chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế.
Luồng ý kiến ngược lại đề xuất, không nên tổ chức thi mà xét và cấp bằng tốt nghiệp để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Nhóm ý kiến này cũng cho rằng việc điều chỉnh này tạo điều kiện tốt hơn đối với người theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định, được học lên các trình độ cao hơn.
Khi ấy, ông  Bình cho hay, Thường trực Ủy ban ủng hộ ý kiến thứ nhất, tiếp tục tổ chức thi THPT và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các quan điểm nêu trên.
Cùng với đó, trong suốt quá trình lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật này thời gian qua, nhiều ý kiến đồng quan điểm rằng việc đổi mới là cần thiết, nhưng cần có sự ổn định ở lĩnh vực giáo dục. Trong khi hiện nay, hết năm này sang năm khác việc thi cử thay đổi liên tục khiến học sinh, phụ huynh rất vất vả, khó khăn. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Sau khi xảy ra vụ việc tiêu cực trong thi cử năm 2018 tại các tỉnh vừa rồi, thì nhân dân rất quan tâm tới Dự luật này, do đó chúng ta không thể không lấy ý kiến rộng rãi người dân.
Nghiên cứu thật thấu đáo
Đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý- Giáo dục TP Hà Nội cho rằng: Vấn đề về lương nhà giáo phải được thể hiện rõ trong văn bản luật chứ không thể hiện một cách nhạt nhòa vì ý kiến của bộ này, bộ kia.
Còn về vị thế của nhà giáo, TS Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, trong Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), chương về nhà giáo rất được quan tâm. Tuy nhiên, cũng rất cần các thầy cô giáo nỗ lực vươn lên, đón nhận các thách thức và chuyển hóa một cách tích cực.
Đáng lưu ý, những vấn đề về miễn học phí bậc THCS hệ công lập, nâng chuẩn giáo viên tiểu học…là những nội dung được dư luận quan tâm nhiều nhất. Đặc biệt trong đó có vấn đề về miễn học phí bậc THCS – dù được hoan nghênh là đã thể hiện được chủ trương nhân văn trong giáo dục, song cũng đang nhận được những phản biện từ nhiều góc nhìn. Đơn cử như có quan điểm ví von cho rằng, bài học miễn thuế nông nghiệp vẫn còn đó. Hay có quan điểm cho rằng, khi đã miễn học phí thì không được thu khoản gì nữa, trong khi ngân sách nhiều địa phương khó khăn, nếu không cẩn thận có thể hạn chế đến phục vụ các hoạt động giáo dục. Vì thế, cần cân nhắc thời điểm thực hiện, đối tượng thực hiện, có lộ trình từng bước cụ thể tùy theo ngân sách nhà nước.

Nguồn: daidoanket.vn