Tư vấn mùa thi 2019: Các bước lưu ý khi chọn ngành dự thi - Trường THPT Hoàng Mai

Tư vấn mùa thi 2019: Các bước lưu ý khi chọn ngành dự thi

Sáng 4.3, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2019 của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng tiếp tục diễn ra tại Trường THPT Bảo Lộc.

Học sinh TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chọn ngành nghề dự thi /// ĐÀO NGỌC THẠCH

Học sinh TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chọn ngành nghề dự thi
Chương trình được trực tiếp tại thanhnien.vn, qua fanpage Facebook và kênh YouTube của Báo Thanh Niên. Chương trình thu hút khoảng 1.600 học sinh lớp 12 trên địa bàn TP.Bảo Lộc tham dự.

Nguyện vọng 1 – nguyện vọng yêu thích nhất

Mở đầu, TS Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên VN (Phân viện miền Nam), làm sân Trường THPT Bảo Lộc trở nên sôi động trong phần tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh trước mùa thi. Thầy Long chia sẻ kinh nghiệm: “Chọn ngành mình yêu thích thì học mới hứng thú, dù khó khăn vẫn cố gắng vượt qua, không nản chí”. Các em chỉ ghi phiếu chọn ngành, chọn trường lúc thoải mái nhất, khi có cảm xúc tích cực đầy đủ sự hiểu biết về ngành mình chọn, phải có suy nghĩ tích cực và yêu nghề. Cách chọn hợp lý nhất: chọn nghề trước, tiếp đó chọn ngành, sau cùng mới chọn trường.

TS Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhận xét sau 3 ngày tư vấn ở Lâm Đồng nhận thấy các em đều có thắc mắc trong cách ghi nguyện vọng cho dễ đậu. Mục tiêu trước mắt các em phải đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Khi chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển phải phù hợp với bản thân, nguyện vọng nào mong muốn nhất phải đưa lên đầu tiên.
TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, bổ sung kinh nghiệm cho thấy có những bạn ghi tới hơn 40 nguyện vọng, mỗi nguyện vọng phải đóng 30.000 đồng, như vậy là không nên, lãng phí, thiếu tập trung. Cần ghi nguyện vọng mình yêu thích nhất và có năng lực nhất, phù hợp nhất đối với mình. Với việc chuyển ngành, chuyển trường trong quá trình học, Bộ GD-ĐT không quy định nên tùy từng trường. Nhưng muốn chuyển phải học hết năm 1, do đó học sinh cần suy nghĩ chọn ngành, chọn nghề thật kỹ và phù hợp nhất.

Có phân biệt trường công, tư ?

Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn Sở GD-ĐT Lâm Đồng; Ban Giám hiệu Trường THPT Bảo Lộc và các trường THPT trên địa bàn TP.Bảo Lộc; các đơn vị: Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Lâm Đồng, Công ty CP phát triển giáo dục và nhân lực quốc tế Minh Anh, MobiFone Lâm Đồng, Viettel Lâm Đồng, Trung tâm kinh doanh VNPT Lâm Đồng, Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ thực hiện chương trình. Cảm ơn Công ty du lịch Vietravel đã hỗ trợ đưa đón đoàn.

Thu Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Bảo Lộc, thắc mắc muốn học kinh tế nhưng chương trình đào tạo giữa trường công lập và ngoài công lập có gì khác nhau? TS Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, giải đáp: “Với khối ngành kinh tế thì các trường công lập hay ngoài công lập chương trình đào tạo đều phải đáp ứng được yêu cầu, chỉ khác ngưỡng đầu vào. Tùy năng lực người học và nếu sinh viên có thái độ học tập tích cực thì trường công lập hay ngoài công lập không có sự khác biệt”.

Nguyễn Văn Đức Lâm, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Bảo Lộc, đặt vấn đề về học phí giữa trường công và tư. Đại diện Trường ĐH Lạc Hồng cho biết học phí trường giữ nguyên suốt năm học từ 20 – 22 triệu đồng/năm, ngành dược học phí 32 triệu đồng/năm, giữ suốt 5 năm không đổi. Với sinh viên ở tỉnh xa trường có chính sách giảm học phí.