SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT HOÀNG MAI
Quyết định khó khăn
“Việt Nam cũng như nhiều nước ở Đông Á sử dụng kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cho nhiều mục đích”, ông Dilip Parajuli, Chuyên gia Kinh tế Giáo dục Cao cấp, Ngân hàng Thế giới nhận định.
Trong đó, ba chức năng chính là kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh và trao bằng tốt nghiệp THPT; kết quả được các trường đại học hoặc cao đẳng sử dụng để chọn tân sinh viên; tạo động lực và trách nhiệm cho giáo viên và trường học, từ đó, tập trung vào các giải pháp để đạt kết quả tốt hơn.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các sở ban ngành địa phương, kì thi tốt nghiệp THPT giúp đảm bảo rằng, các nội dung chương trình được giảng dạy trong cả nước và tất cả học sinh được đánh giá công bằng, minh bạch.
Kì thi là bước đệm cần có để học sinh chuẩn bị sẵn sàng cho quãng thời gian học tập tiếp theo của mình, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nêu.
Đó cũng là những lý do mà ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra khi cho biết, các kì thi luôn xuất hiện trong tất cả các hệ thống giáo dục.
“Tôi không ngạc nhiên khi hầu hết các hệ thống giáo dục có kết quả cao trong kì đánh giá PISA, bao gồm Việt Nam, dành nhiều ưu tiên cho các kì thi và chú trọng đảm bảo độ tin cậy của kết quả”, ông Andreas nói.
Tuy nhiên, trong dịch bệnh, giãn cách là mối quan tâm hàng đầu. Do đó, tiến hành tổ chức một kỳ thi trong bối cảnh này không phải dễ dàng và nhiều nơi nhiều nước đã nỗ lực tìm giải pháp khác nhau.
Ông Dilip Parajuli cho hay, về cơ bản, các nước trên thế giới chuyển sang ba lựa chọn, bao gồm: Thay đổi thời gian / hoãn các kì thi chung quan trọng cho đến khi quốc gia có thể tổ chức kì thi hiệu quả trong một môi trường an toàn; Hủy các kì thi; Sử dụng phương thức thay thế như thi trực tuyến, kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến.
Phần lớn các quốc gia trên toàn cầu đã tổ chức các kì thi vào khoảng thời gian sau đó, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore,… Việt Nam cũng như các quốc gia này và nhiều quốc gia khác, đã trì hoãn khoảng một tháng để tổ chức kỳ thi cho khoảng 900.000 học sinh.
Theo ông Andreas Schleicher, một số quốc gia không tổ chức đủ các kì thi để đánh giá cho mọi học sinh đã làm giảm giá trị công sức học tập chăm chỉ nhiều năm của học sinh và có thể khiến cho cả thế hệ đó bị kỳ thị khi đi làm.
Về cách thức tổ chức, có một số quốc gia đã lựa chọn hình thức thi tự làm tại nhà, trong đó đòi hỏi công nghệ rất tiên tiến và cơ chế giám sát hết sức phức tạp.
Có những quốc gia tổ chức kì thi dựa trên các câu hỏi nhanh, các cuộc thảo luận, trên diễn đàn, trên hồ sơ hoặc họ lấy điểm trung bình học bạ các năm học. Ông Andreas nhận định, điều này không công bằng với tất cả học sinh vì điểm số ở trường có thể bị gian lận.
Ông Ando Toshiki, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phân tích, vào chính thời điểm học sinh THPT kết thúc năm học để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp, dịch bệnh bùng phát trở lại. Việt Nam phát hiện người nhiễm bệnh mới tại Đà Nẵng.
Ông Ando Toshiki đánh giá: “Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã rất vất vả để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của dịch bệnh”.
Nếu chỉ để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm, các hoạt động tập trung đông người sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên, kì thi này còn có nhiều yếu tố quan trọng nên Việt Nam đưa ra giải pháp thi hai đợt, vừa đảm bảo an toàn cho thí sinh, vừa xây dựng phương án đảm bảo cơ hội bình đẳng khi tất cả thí sinh toàn quốc đều được dự thi.
Các chuyên gia đều cho rằng, đây là quyết định to lớn và quan trọng đối với từng cá nhân, gia đình có con tham gia kì thi. Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Bộ GDĐT đã phải cân nhắc, đánh giá, dựa trên cố vấn của Bộ Y tế, cân nhắc tới sự an toàn vệ sinh dịch tễ, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn để đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ coi thi,…
“Quan trọng nhất là đảm bảo các điều kiện thi và nội dung đối với học sinh dự hai đợt thi là như nhau, đảm bảo tính công bằng cho tất cả thí sinh”. Nhấn mạnh điều này, ông Michael Croft cũng đánh giá cao khi trước đó, Bộ GDĐT đã có những chỉ đạo quyết liệt, cho học sinh nghỉ và chuyển sang các phương thức dạy học thay thế kể từ tháng 3. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với sức khỏe và an toàn của học sinh.
Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cảm kích: “Bộ GDĐT, các địa phương, các trường và giáo viên đã có những cải tiến tối đa trong dạy học để lứa học sinh năm nay có đầy đủ kiến thức cần thiết cho bản thân. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam, mà trước hết là Bộ GDĐT và các Sở GDĐT”.
Làm hết sức và tốt nhất có thể
Theo ông Dilip Parajuli, Chuyên gia Kinh tế Giáo dục Cao cấp, Ngân hàng Thế giới, căn cứ thực tiễn, Chính phủ Việt Nam, Bộ GDĐT và các cơ quan liên quan, các trường học đã nỗ lực hết sức để tổ chức kỳ thi này, giữa thời điểm Covid-19 tái xuất hiện ở Đà Nẵng – một đô thị lớn ở miền Trung.
Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam được coi là một điển hình rất tốt trong việc ứng phó và kiểm soát Covid-19. Từ góc độ giáo dục, Chính phủ đã quyết định việc tổ chức, đảm bảo kỳ thi của hơn 900.000 học sinh trên cả nước diễn ra an toàn và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn giãn cách/cách ly xã hội.
Vì quyết định và nỗ lực này, học sinh và các trường đại học được hưởng lợi đáng kể, thuận lợi trong định hướng sau khi tốt nghiệp, như xét tuyển các trường đại học, cao đẳng hoặc học nghề, lựa chọn việc làm.
Các kỳ thi này cũng có thể tạo cơ hội cho Bộ GDĐT đánh giá tác động của việc đóng cửa trường học do Covid-19 đối với kết quả dạy học và xem xét các chiến lược, chương trình thích hợp nhằm cải tiến và phát triển.
“Tôi cho là các bạn đã làm hết sức có thể và tốt nhất có thể trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Xin chúc mừng những nỗ lực tổ chức kỳ thi trong thời điểm khó khăn, đồng thời, giảm thiểu những bất ổn và lo lắng cho nhiều học sinh và phụ huynh”, ông Dilip Parajuli khẳng định.
Đó cũng là đánh giá của ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): “Việt Nam nằm trong số các quốc gia đã thành công với việc cân bằng điều kiện thi công bằng và điều kiện sức khỏe trong trường học. Với tất cả những gì tôi biết, tôi nghĩ Việt Nam là quốc gia điển hình có thể tổ chức kỳ thi chất lượng cao trong điều kiện đại dịch khó khăn như hiện nay”.
Nắm bắt các giải pháp cơ bản để hạn chế dịch bệnh Covid-19 ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Ando Toshiki cho rằng, kỳ thi diễn ra nhờ sự hợp tác của rất nhiều cơ quan liên quan, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Với cách tổ chức và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, về cơ bản kỳ thi đã được tổ chức tốt. Các bên hợp tác tích cực, dựa trên các giải pháp cẩn trọng tối đa, nhằm đảm bảo an toàn nhất có thể cho kỳ thi.
“Tôi rất cảm kích trước sự nỗ lực từ các cơ quan liên quan của Việt Nam vì tương lai học sinh THPT – thế hệ trẻ Việt Nam”, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ.
Ông Michael Croft nhận định, từ tất cả những biện pháp phòng dịch kỹ lưỡng tại mọi điểm thi, có thể thấy sự phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ của Bộ Y tế và Bộ GDĐT. Học sinh, phụ huynh và các bộ coi thi… được hướng dẫn cụ thể và cung cấp thông tin rõ ràng trước, trong và sau kỳ thi. Các thông tin chuyển tới mọi người dân bằng nhiều phương tiện truyền thông, qua tin nhắn điện thoại, internet, email… Điều này giúp họ giảm lo lắng, yên tâm và tập trung hơn vào kỳ thi thay vì dịch bệnh.
Chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công kỳ thi này trên cả nước, ông Michael Croft cho rằng, tất cả mọi người đã làm việc hết sức nỗ lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT hai đợt vừa qua ở khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam có những kinh nghiệm quý giá để xây dựng kế hoạch đối phó trong 10 năm tới.
“Chúng tôi muốn mang những bài học kinh nghiệm trong giai đoạn này của Việt Nam ra thế giới, giới thiệu cho những quốc gia khác”, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định.
Ông Dilip Parajuli, Chuyên gia Kinh tế Giáo dục Cao cấp, Ngân hàng Thế giới cho rằng, COVID-19 đã đem đến cơ hội cải tiến hệ thống thi cử. Việt Nam nên tiếp tục tăng cường độ tin cậy và đo lường chính xác; đồng thời, thực hiện các kỳ thi năng lực nhiều hơn. Mặt khác, nên bắt đầu chuẩn bị cho các kỳ thi trực tuyến hoặc kỳ thi trên máy tính để tạo nên hệ thống thi cử linh hoạt hơn trong những thời điểm khủng hoảng. Đã đến lúc hệ thống giáo dục xoay quanh trục trực tuyến cho cả giảng dạy, học tập và các kỳ thi. Rất nhiều quốc gia đã và đang tiến tới điều này, và Việt Nam không nên bị bỏ lại phía sau. Nhìn rộng ra, Giáo sư Fernando Reimers, Trường Đại học Harvard đánh giá cao nỗ lực của ngành Giáo dục Việt Nam trong dịch bệnh. Những giải pháp của Bộ GDĐT Việt Nam rất quan trọng khi trường học không thể hoạt động bình thường như trước đại dịch. Những nỗ lực của Việt Nam đã được chuẩn bị rất đúng hướng. “Bản thân tôi đã cộng tác với nhiều cộng sự của nhiều nước trên thế giới trong một nghiên cứu mà OECD đã triển khai về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch để các nước khác có thể học hỏi và chúng tôi đã chọn Việt Nam để làm ví dụ”, Giáo sư Fernando Reimers nói. |
Minh Hạnh