SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT HOÀNG MAI
3 điểm mới cơ bản trong tuyển sinh lớp 10
Tại hội nghị hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp từ mầm non đến lớp 10 THPT do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 22/5, kỳ thi vào lớp 10 năm học 2020- 2021 có 3 điểm mới.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, so với năm ngoái, kỳ thi lớp 10 THPT năm nay có một số điểm mới quan trọng.
Cụ thể, thay vì 4 môn, kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay chỉ có 3 môn, bỏ môn tự chọn để giảm gánh nặng cho học sinh trước tình hình nghỉ dịch Covid-19 dài ngày.
Điểm mới thứ 2, năm ngoái bài thi môn Ngoại ngữ có 2 phần: Trắc nghiệm và tự luận. Năm nay, đề thi Ngoại ngữ 100% trắc nghiệm. Việc chấm thi hoàn toàn thực hiện qua máy tính. Ngoài các môn thi Ngoại ngữ truyền thống trước đây, điểm mới năm nay bổ sung thêm môn thi tiếng Hàn.
Thứ 3, đề thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay tinh giản để giảm gánh nặng cho học sinh do nghỉ dịch Covid-19 kéo dài.
Ngoài 3 điểm mới cơ bản trên, theo ông Toản, việc tuyển sinh vào lớp 10 có một số điều chỉnh nhỏ mang tính kĩ thuật.
Chẳng hạn, thời gian nhập học vào lớp 10 THPT công lập rút ngắn còn 4 ngày, thay vì 15 ngày như trước đây.
Nếu trước đây, ngày thi đầu tiên học sinh phải làm bài môn Toán, Văn thì năm nay, ngày thi đầu tiên, học sinh làm bài thi môn Văn (buổi sáng) và buổi chiều thi Ngoại ngữ.
Ngày hôm sau, học sinh sẽ làm vài thi môn Toán. Việc thay đổi này, theo ông Toản, nhằm giảm căng thẳng cho học sinh.
Trường ngoài công lập lo thiếu chỉ tiêu
Theo đại diện của một trường ngoài công lập, việc điều chỉnh rút ngắn thời gian nhập học vào lớp 10 THPT từ 15 xuống còn 4 ngày, khiến nhiều trường ngoài công lập cực kì khó khăn vì thời gian ngắn, không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu.
Do đó, đại diện này đề xuất Sở GD&ĐT tăng thêm thời gian tuyển sinh để hỗ trợ trường ngoài công lập.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, do nghỉ Covid-19 dài ngày nên Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời gian năm học.
Do đó, Sở GD&ĐT cũng phải rút ngắn một số mốc thời gian tuyển sinh.
Ông Đại phân tích, năm học 2019-2020, dự kiến, toàn thành phố Hà Nội có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng 6.685 học sinh so với năm học 2018-2019).
Số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 THPT và chương trình giáo dục thường xuyên năm học 2020- 2021 dự kiến như sau:
Trường THPT: 90.730 học sinh (tăng 5.776 học sinh so với năm học 2019- 2020.
Trong đó, các trường công lập tuyển 66.492 học sinh, tăng so với năm ngoái; trường công lập tự chủ tuyển 2.788 học sinh.
Các trường ngoài công lập tuyển 21.450 học sinh, tăng so với năm ngoái.
Tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên hơn 8 nghìn học viên và vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 8.473 học sinh.
Với con số trên đây, khoảng 62% học sinh vào lớp 10 công lập. Ngoại trừ học sinh vào trung tâm Giáo dục thường xuyên và các trường CĐ liên kết, khoảng hơn 20% học sinh sẽ vào các trường ngoài công lập.
“Nếu trường ngoài công lập nào uy tín, có chất lượng, con em sẽ vào học và không lo thiếu chỉ tiêu”, ông Đại cho hay.
Ngoài ra, theo một số lãnh đạo Phòng GD&ĐT, từ 1/3/2020, một số địa phương thuộc TP Hà Nội thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã phường nên khó khăn trong việc cập nhật dữ liệu.
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy chia sẻ, do địa bàn nhiều chung cư cao tầng, số dân di cư lớn, cộng với việc thay đổi sắp xếp các đơn vị hành chính nên cập nhật dữ liệu tuyển sinh đầu cấp rất khó khăn.
Trong khi đó, việc xét tuyển phải thực hiện cả thứ 7 và chủ nhật mới kịp thời gian nên rất khó khăn khi cần hỗ trợ.
Cùng quan điểm trên, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cũng cho hay, địa bàn này cũng khó khăn trong việc cập nhật dữ liệu do nhiều chung cư cao tầng.
Các lãnh đạo này đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội có phương án hỗ trợ.
Theo ông Phạm Văn Đại, các đơn vị phải quản lý chặt việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường.
Các đơn vị khai thác hiệu quả các điều kiện dạy học, tránh tình trạng có trường tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu, trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu gây lãng phí và khiến người dân bức xúc.
Tuy nhiên trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội phải giảm số lớp/trường, giảm số lượng học sinh/lớp vì hiện nay nhiều trường rất quá tải.
“Việc khó khăn cập nhật dữ liệu học sinh đầu cấp do sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã phường, Sở GD&ĐT cũng đề nghị công an các quận huyện rà soát số lượng học sinh trên địa bàn giúp ngành giáo dục để phân tuyến phù hợp quy mô từng trường.
Chúng tôi cũng đề xuất UBND TP Hà Nội có phương án hỗ trợ về kĩ thuật giúp các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp”, ông Đại cho biết.