Năm học này dự kiến có hơn 96.000 HS lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trong khi đó tổng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập của thành phố chỉ hơn 66.500 HS (chiếm 70%). Như vậy, nếu 100% HS lớp 9 được xét tốt nghiệp và dự thi vào lớp 10 công lập thì sẽ có hơn 29.500 HS bị loại, vì thế phải chuyển sang học trường tư, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề, hoặc đi du học… Sự cạnh tranh gia tăng sẽ tạo áp lực hơn nhiều.

Được biết, các trường THPT trong tốp 1 trên địa bàn thành phố chỉ có Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là tăng chỉ tiêu, từ 645 (năm 2019) lên 690 (năm 2020). Trong khi đó, nhiều trường khác lại giảm như: Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền giảm 135 chỉ tiêu so với năm 2019; Trường THPT Gia Định giảm 45 chỉ tiêu; Trường THPT Bùi Thị Xuân giảm 25 chỉ tiêu… Nhiều năm qua, việc “rớt” trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 luôn là nỗi ám ảnh, lo lắng của rất nhiều HS, phụ huynh.

Học sinh cuối cấp tăng tốc luyện thi vào lớp 10
Học sinh cuối cấp THCS của TP Hồ Chí Minh tại các trung tâm luyện thi ngoài trường.

Ở giai đoạn cuối cấp của bậc THCS, HS bắt đầu chạy đua ôn thi tại trường, luyện thi ở các trung tâm, thuê gia sư về kèm cặp… Ghi nhận tại Trung tâm luyện thi Tân Hồng Phong trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5), sau giờ học chính ở trường, HS vội vã đến lò luyện để học thêm các môn. Một phụ huynh có con theo học tại trung tâm này cho biết: “Học ở trường đã có thể bảo đảm lượng kiến thức cơ bản cho con tôi thi đậu vào lớp 10, nhưng năm nay chỉ tiêu vào các trường công giảm so với năm ngoái, nên buộc phải cho con đi học thêm ở ngoài để chắc chắn hơn”. Em Bùi Thị Phương Khánh (học sinh Trường THCS Kim Đồng, quận 5), chia sẻ: “Các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu, em ôn tập ở trường. Tối em đến nhà gia sư học thêm môn Toán; riêng thứ tư và thứ sáu từ 15 giờ đến 17 giờ học thêm tiếng Anh, từ 19 giờ 30 đến 21 giờ em học thêm môn Văn ở trung tâm luyện thi. Thời gian ôn thi của em kín mít, nếu không cố gắng thì cũng khó vào lớp 10 công lập”.

Không chỉ có học sinh lo lắng, đội ngũ giáo viên đứng lớp ôn thi cho HS vào THPT cũng áp lực không kém. Thầy Trương Quốc Vinh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Vạn Hạnh (quận 10), nói rằng: “Năm học này quá cập rập đối với chúng tôi. Chúng tôi vừa dạy theo chương trình, vừa dành thời gian để ôn luyện cho HS để chuẩn bị cho kiểm tra học kỳ hai. Sau đó các em mới tập trung cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10”. Về độ khó của kỳ thi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: Cấu trúc đề thi năm nay không thay đổi, nội dung thi nằm trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GD&ĐT ban hành. Đây là kỳ thi tuyển sinh nên sẽ có những câu hỏi phân hóa trình độ HS để chọn lựa thí sinh vào các trường. Để làm bài tốt, các em cần ôn tập một cách hệ thống, nắm chắc kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề trong chương trình. Không học tủ, không học vẹt vì đề thi luôn ra theo hướng đọc hiểu từng nội dung.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập sẽ diễn ra trong hai ngày 16 và 17-7; HS được lựa chọn 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 vào lớp 10 các trường THPT công lập. Những học sinh được dự xét tuyển là những học sinh dự thi đủ 3 bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0 (không). Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 bài thi tuyển sinh vào lớp 10 (trong đó bài thi Ngữ văn và Toán hệ số 2, Ngoại ngữ hệ số 1) và điểm ưu tiên. Ở một trường, điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 và điểm chuẩn nguyện vọng 3 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 2 không quá 1 điểm. Các trường ngoài công lập tại TP Hồ Chí Minh tuyển sinh lớp 10 theo phương thức xét tuyển, không được tổ chức thi tuyển hoặc kiểm tra trình độ dưới bất cứ hình thức nào.

LÊ CÚC