ĐỂ LÀM TỐT PHẦN ĐỌC HIỂU MÔN NGỮ VĂN - Trường THPT Hoàng Mai

ĐỂ LÀM TỐT PHẦN ĐỌC HIỂU MÔN NGỮ VĂN

Đọc hiểu là một trong những nội dung quan trọng trong đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn ngữ văn. Phần này chiếm 3 điểm trong tổng số điểm toàn bài thi (thang điểm 10).

Đề tham khảo thi THPT quốc gia năm 2019 của Bộ GD-ĐT phần lớn nội dung kiến thức vẫn nằm trong chương trình lớp 12; về hình thức đề thi giống năm trước với 2 phần, đọc hiểu và làm văn. Riêng phần đọc hiểu của đề thi tham khảo năm nay có khác đôi chút so với năm trước. Đề không đặt những câu hỏi như các phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ mà thông qua đoạn trích, thí sinh phải hiểu và suy luận vấn đề được đặt ra.

Để làm tốt bài thi phần đọc hiểu môn ngữ văn, nhất thiết thí sinh cần rèn luyện kỹ năng đọc hiểu văn bản, vận dụng đề đọc hiểu một văn bản bất kỳ, nhận ra được giá trị nội dung, tư tưởng thể hiện trong văn bản/đoạn trích.

Các thí sinh có thể tham khảo 3 hướng dẫn sau đây trong quá trình học tập, rèn luyện và vận dụng khi làm bài thi.
Chú ý nhan đề đoạn trích. Thông thường khi đọc một đoạn trích, nhiều thí sinh không chú ý đến nhan đề, thường bỏ qua việc suy nghĩ về nó mà chỉ chăm chú vào nội dung. Chính vì điều này làm cho các em khó hiểu đầy đủ nội dung đoạn trích, dẫn đến làm bài xa đề, lạc đề, không trả lời đúng trọng tâm. Việc suy nghĩ về nhan đề của đoạn trích rất hữu ích vì sẽ kích thích các em tư duy và có hướng thâm nhập vào nội dung, nghĩ ra được những vấn đề liên quan được nói tới trong đoạn trích.
Cần xác định hệ thống câu hỏi. Mỗi đoạn trích đều có hệ thống câu hỏi để đánh giá năng lực cảm nhận của các em. Những câu hỏi này thường xoay quanh giá trị nội dung, tư tưởng, những vấn đề đặt ra liên hệ đến đời sống ngày nay như thế nào. Vì vậy, khi đọc đoạn trích, các em nên hệ thống câu hỏi để có cách trả lời đúng đắn, tránh sự trùng lặp, lan man và mất nhiều thời gian.
Xác định mục đích câu hỏi cũng là yếu tố quan trọng. Khi đọc đoạn trích, thí sinh cần chú ý những thông tin mà đoạn trích cung cấp. Khi đọc, cần đánh dấu để chia các đoạn, phần. Suy nghĩ xem nội dung các đoạn, phần đó nói về vấn đề gì, có ý nghĩa như thế nào, gạch chân các từ ngữ quan trọng. Có thể vận dụng câu có nghĩa trong đoạn trích để trả lời.
Tóm lại, mỗi thí sinh cần phải chăm chỉ, đọc kỹ và vận dụng những kinh nghiệm trên để đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, nếu không sẽ rất dễ mất điểm phần này và ảnh hưởng đến kết quả của toàn bài thi.

Thạc sĩ ĐÀO TẤN TRỰC

(Trường THPT Lê Thành Phương)