SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT HOÀNG MAI
Sở GDĐT Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn.
Trước đó, việc thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT Hà Nội năm học 2019 – 2020 rất thu hút sự quan tâm của phụ huynh và học sinh (HS). Ngoài những lo lắng về việc thi tuyển 4 môn thay vì 2 môn, hiện băn khoăn lớn nhất đang được đặt ra là làm sao giải quyết được vấn đề quá tải ở trường công.
Giảm khoảng 4.000 HS dự tuyển vào lớp 10
Theo lịch trình cụ thể, thời gian kiểm tra điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT Hà Nội dự kiến kéo dài từ 19/2 đến hết ngày 28/2. Năm học 2019-2020, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội có nhiều thay đổi so với các năm trước. Thay vì tuyển sinh kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển học bạ, từ năm 2019, việc tuyển sinh sẽ chỉ dựa trên kết quả thi tuyển. Thời gian thi diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 2- 3/6.
Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, dự kiến sau khi kết thúc năm học 2018-2019, toàn thành phố có 101.460 HS xét tốt nghiệp THCS, giảm khoảng 4.000 HS so với năm học 2017-2018. Thực hiện công tác phân luồng HS sau THCS, sẽ có khoảng 60% – 62% số HS sẽ được tuyển vào trường THPT công lập, số còn lại sẽ vào các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Ngay sau khi Sở GDĐT công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019- 2020, nhiều phụ huynh và HS đã lo lắng bởi sẽ phải ôn thi quá nặng và gặp phải nhiều áp lực khi số môn thi tăng gấp đôi. Chưa kể ngoài môn Ngoại ngữ, thì môn thi “ẩn số” còn lại sẽ được công bố vào sát thời gian thi, e HS không kịp xoay sở để ôn cho kỳ càng.
Trước những phập phồng, đón đợi của phụ huynh và HS về việc thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2019 tới đây, ông Phạm Quốc Toản – Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GDĐT Hà Nội) cho hay: Hiện tại trong chương trình giáo dục THCS vẫn đòi hỏi các em HS phải học đều khoảng 14 bộ môn. HS chỉ thi 4/14 bộ môn thì không phải là nhiều và cũng không quá tải. Dẫu thế, để giảm áp lực cho các em, ông Toản cho biết, Sở GDĐT Hà Nội cũng có định hướng về yêu cầu, kiến thức kỹ năng về đề thi, hình thức thi và thời gian dự thi. Đối với nội dung đề thi, Sở yêu cầu phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình của Bộ GDĐT đã ban hành từ năm 2008 đến nay. Các câu hỏi được sắp xếp với các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu; một số ít thuộc vận dụng cấp độ thấp. Những nội dung này hoàn toàn theo chuẩn chương trình, SGK hiện tại. HS không phải quá vất vả mà chỉ cần nắm vững kiến thức trong SGK là có thể làm tốt được bài. Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cũng khẳng định, dù thay đổi cách thi tuyển nhưng kế hoạch dạy và học ở các nhà trường không có gì thay đổi.
Duy trì 2 phương thức tuyển sinh
Cho dù lượng HS dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2019- 2020 tại Hà Nội giảm so với năm học trước, nhưng cuộc chạy đua kiếm “suất” vào trường công chưa bao giờ hết nóng. Trước đó, bài học trong công tác tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội năm học 2018- 2019 vẫn còn dư âm. Sau kỳ thi tuyển sinh căng thẳng, phụ huynh chạy đôn chạy đáo khắp nơi rút – nộp hồ sơ. Đáng lưu ý là những tranh cãi ồn ào về khoản phí giữ chỗ, đã khiến mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 – 2019 ở Hà Nội vốn áp lực vì số lượng thí sinh tăng đột biến lại càng trở nên căng thẳng hơn.
Làm một phép so sánh, nhiều phụ huynh có chung nhận định: Gần ngang nhau về quy mô thí sinh, xấp xỉ nhau về chỉ tiêu tuyển sinh nên có thể nói sức ép kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội và TP HCM không mấy khác nhau. Thế nhưng kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT của TP HCM bớt căng thẳng hơn khi công bố phổ điểm của từng môn. Dựa vào thông tin này, phụ huynh có thể nhận thấy con em mình đang đứng ở vị trí nào, từ đó có căn cứ chọn trường cho phù hợp. Từ những bất cập đã được nhìn thấy rõ ở mùa tuyển sinh trước, phụ huynh có con em vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đang mong chờ công tác tuyển sinh có tiến triển trong năm tới.
Nhằm giảm tải gánh nặng tuyển sinh của trường công, Sở GDĐT Hà Nội cho hay: Với các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập, Sở GDĐT Hà Nội vẫn cho phép các trường được giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm học 2018-2019. Như vậy, ở năm học 2019-2020, các trường này vẫn có thể tuyển sinh HS vào lớp 10 THPT bằng kết quả học tập, rèn luyện của HS ở 4 năm học cấp THCS.
Như vậy có nghĩa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm học 2019 – 2020 vẫn tồn tại song song 2 phương thức tuyển sinh. Việc thi 4 môn là bắt buộc với trường hệ công lập, còn lại trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập vẫn duy trì phương thức tuyển sinh như những năm trước đó.
Tâm lý của nhiều bậc phụ huynh khi có con rớt trường công đều muốn tìm một trường tư có chất lượng tốt để đảm bảo cho việc học thi tiếp lên ĐH, CĐ của con em sau này. Nhưng năm 2018 một số trường tư được coi là có thương hiệu đã tuyển sinh theo cách ngẫu hứng rất riêng, thông qua sự biến động điểm số được tính bằng giờ. Những suất học ở lớp 10 trường tư năm 2018 được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức xếp hàng, thậm chí cả nước mắt, sự thất thần của phụ huynh là có thật. Do đó, phụ huynh mong muốn lần này các đoàn kiểm tra của Sở GDĐT Hà Nội chú trọng hơn tới điều kiện tuyển sinh của khối trường ngoài công lập nói riêng.
Nhìn rộng ra, không riêng gì lớp 10, tuyển sinh đầu cấp hàng năm của Hà Nội đều trong tình trạng quá tải. Âu cũng bởi Hà Nội quá thiếu trường lớp, trong khi tốc độ đô thị hóa và việc gia tăng dân số cơ học quá nhanh. Việc giải bài toán thiếu trường lớp lại quá chậm.
Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là cho dù đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng nào, thì mục tiêu quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện tối đa để người học được quyền đi học; đảm bảo có đủ trường lớp đáp ứng được nhu cầu học hết bậc phổ thông của đại đa số HS.
Minh Quang