Nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế - Trường THPT Hoàng Mai

Nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế

Cùng với sự phát triển của cả nước, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, tiếp tục khẳng định là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục và đào tạo.

Chú thích ảnh
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang đón đoàn học sinh tham dự Kỳ thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA) 2019. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ trong công tác hội nhập quốc tế, mở rộng cánh cửa chào đón bạn bè năm châu thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức các kỳ thi mang tính quốc tế. Việc Hà Nội được đăng cai tổ chức Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế – IMSO 2019 từ ngày 27 – 30/11, đã một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam qua các kỳ thi trên trường quốc tế.

Tạo dựng uy tín qua các kỳ thi 

Năm học 2018 – 2019, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 239 giải và huy chương quốc tế. Ở các kỳ thi quốc tế, đoàn học sinh Hà Nội đã giành 55 Huy chương Vàng, 66 Huy chương Bạc, 88 Huy chương Đồng và 39 giải Khuyến khích. Tại các kỳ thi quốc gia, học sinh của Hà Nội cũng giành 155 giải, gồm 14 giải Nhất, 47 giải Nhì, 56 giải Ba và 38 giải Khuyến khích. Đặc biệt, trong các kỳ thi Olympic năm 2019, đã có 1 học sinh Hà Nội là học sinh Việt Nam lần đầu tiên đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành Olympic Hóa học (IChO), 1 học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA).

Tại Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng năm 2018 và 2019 có sự tham gia của các đoàn học sinh quốc tế, đoàn học sinh Hà Nội đại diện Việt Nam đã đạt thành tích cao, tạo ấn tượng, uy tín tốt với các đoàn học sinh quốc tế. Đặc biệt, các kỳ thi được các nhà khoa học, bạn bè quốc tế đánh giá cao về công tác tổ chức và chất lượng chuyên môn.

Tiếp nối thành công của hai kỳ thi, Hà Nội tiếp tục đăng cai tổ chức Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế – IMSO 2019. Việt Nam tham gia Kỳ thi IMSO từ năm 2015, qua 4 kỳ thi, đoàn học sinh Hà Nội đại diện cho Việt Nam đã đạt thành tích cao, giành 101 huy chương, trong đó có 21 Huy chương Vàng. Điển hình là Kỳ thi IMSO 2018, 23 học sinh Hà Nội đại diện cho Việt Nam tham gia thi đấu tại Trung Quốc đã xuất sắc giành 23 huy chương, gồm 8 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng.

Với chủ đề “Tư duy – Sáng tạo – Kỹ năng vượt trội”, IMSO 2019 lần thứ 16 tổ chức tại thành phố Hà Nội có trên 1.700 người tham dự, trong đó có hơn 700 thí sinh và các chuyên gia, cán bộ, giáo viên, quan sát viên quốc tế từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, Ban tổ chức kỳ thi đã thành lập các tiểu ban chịu trách nhiệm về các lĩnh vực: chuyên môn, truyền thông, y tế… Ngoài ra, lực lượng tình nguyện viên phục vụ cho kỳ thi cũng được huy động từ các giáo viên, học sinh chuyên Anh của Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Công an thành phố Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch riêng cho công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho các đoàn học sinh quốc tế đến tham dự kỳ thi.

“Chúng tôi nỗ lực cho một kỳ thi công bằng, minh bạch. Hơn nữa, chúng tôi còn muốn đem đến cho các đoàn quốc tế hình ảnh về một Thủ đô hòa bình, an toàn với những người dân thân thiện. Các bạn đến với Hà Nội không chỉ để thi tài mà còn để giao lưu, tìm hiểu đất nước Việt Nam và xây dựng tình bạn thông qua tình yêu với Toán học”, ông Lê Ngọc Quang cho biết thêm.

Một số đoàn tới Việt Nam sớm là Mỹ, Philippines, Tajikistan, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc), Mông Cổ… và được đón tiếp nhiệt tình và chu đáo.

Chủ động hợp tác, giao lưu quốc tế

Chú thích ảnh
Trần Bá Tân, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam giành Huy chương Vàng, thí sinh đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế (IChO) 2019. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn chủ động hợp tác, giao lưu quốc tế trong giáo dục, đào tạo; tiếp đón và trao đổi kinh nghiệm với các đoàn đại biểu quốc tế; thiết lập quan hệ hợp tác về phát triển giáo dục đào tạo; thu hút các nguồn tài trợ để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với một số trường chuyên biệt…

Các hoạt động kết nối giữa các trường quốc tế và các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhất là trao đổi về chuyên môn, hỗ trợ quản lý và hỗ trợ thực hiện chương trình giảng dạy song bằng của quốc gia Việt Nam và tổ chức Cambridge (Anh quốc). Cùng với hệ thống các trường phổ thông, các trường như Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), Đại học RMIT… là những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, hiện nay, hoạt động của các trường ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng cơ bản các yêu cầu về điều kiện hoạt động như quy định về số lượng và chất lượng giáo viên; chương trình học được thẩm định; thực hiện giảng dạy chương trình, sách giáo khoa phổ thông môn học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đối với các trường phổ thông quốc tế được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam theo học. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường cũng được chú trọng đầu tư đồng bộ, hiện đại, quy trình quản lý chất lượng và công khai chất lượng đào tạo tại cơ sở đã và đang được các nhà đầu tư quan tâm xây dựng, thực hiện.

Điểm nhấn gần nhất là trong năm học 2017 – 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài Trung học Phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc – Chứng chỉ A Level của Cambridge tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Từ những thành công bước đầu, năm học 2018 – 2019, chương trình song bằng được triển khai tiếp ở Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam và ở cấp Trung học cơ sở (chứng chỉ IGCSE của Anh quốc) tại 7 trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố là Chu Văn An (quận Tây Hồ), Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Cầu Giấy, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và hệ trung học cơ sở của Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Sau 3 năm triển khai mô hình đào tạo song bằng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng của Hà Nội đã cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo và một số nội dung trong Luật Thủ đô, đặc biệt là giải đáp được những băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các nhà khoa học, đặc biệt là trăn trở của phụ huynh và học sinh về nhu cầu có một mô hình đào tạo chất lượng quốc tế song hành với chương trình giáo dục của nhà nước.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng chương trình đào tạo song bằng đang đi đúng hướng, phù hợp về nhu cầu, đáp ứng được mong muốn của chính các học sinh. Tham gia học chương trình song bằng, các học sinh đã được trang bị sự tự tin bước vào các trường đại học quốc tế. Bên cạnh đó, Đề án cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam.

Trong xu thế quốc tế hóa, hội nhập toàn cầu ngày nay, hợp tác, giao lưu quốc tế là một trong những hoạt động góp phần thúc đẩy hoạt động giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa quốc tế. Với sự chủ động và những thành tích ấn tượng qua các kỳ thi quốc tế, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã góp phần xây dựng hình ảnh về một Thủ đô xanh – văn hiến – văn minh và hiện đại, luôn là điểm đến của các đối tác nước ngoài, các du khách quốc tế cũng như bạn bè bốn phương, đặc biệt là nâng tầm vị thế đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguyễn Cúc (TTXVN)