PHÓ THỦ TƯỚNG: BỘ GD&ĐT CẦN BÀN LẠI THỜI GIAN NGHỈ HÈ - Trường THPT Hoàng Mai

PHÓ THỦ TƯỚNG: BỘ GD&ĐT CẦN BÀN LẠI THỜI GIAN NGHỈ HÈ

Sáng 21/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành giáo dục. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu trong hội nghị, Phó thủ tướng đề nghị ngành giáo dục bàn bạc, xem xét lại thời gian nghỉ hè của học sinh. Theo đó, việc khai giảng hiện nay đã bớt nhiêu khê nhưng thời gian nghỉ hè ở Việt Nam từ xưa đến nay liệu có còn phù hợp không?

“Chúng ta cần xem lại nghỉ hè đã đạt được gì, không đạt gì? Mặt không được là ở đô thị, thời gian nghỉ hè dài quá nên nhiều bố mẹ trẻ rất khó khăn. Nhiều nơi đã tựu trường sớm. Vì vậy trong năm tới, theo tôi, Bộ GD&ĐT cần bàn ráo riết điều này”, ông Đam khẳng định.

Sinh viên sư phạm ra trường khó xin việc

Trước vấn đề đào tạo giáo viên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT và địa phương cần tập huấn về việc đổi mới cho giáo viên từ thành thị đến vùng xa. Chỉ khi nào giáo viên dạy tốt, học sinh mới được hưởng lợi.

Ngành giáo dục rất dễ dàng trong việc dự báo số lượng nhân lực, câu chuyện thừa giáo viên sao không giải quyết được? Thực trạng bây giờ, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Các cháu làm giáo viên nhiều năm nhưng thậm chí phải ‘mai phục’ để vào biên chế”, ông Vũ Đức Đam nói.

Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã có bước đầu làm về chương trình và SGK nhưng nhận thức còn hạn chế, triển khai chậm, từ khâu lo dự án đến kiện toàn hệ thống bộ máy chuẩn bị, đặc biệt, chậm “thấm” xuống bên dưới. Lẽ ra ngay từ đầu, bàn đến đổi mới thế nào cần “thấm” từng sở GD&ĐT, các trường sư phạm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta chưa chú ý đến dạy học toàn diện. Ông chỉ đạo phải làm mạnh mẽ, thực chất hơn việc dạy làm người. Nhà trường phải dạy học sinh về luân thường đạo lý cơ bản như trẻ em khoanh tay chào người lớn, dọn vệ sinh, trực nhật. Học sinh chưa biết yêu lao động thì sẽ khó trân trọng người lao động.

Người lớn phải giáo dục trẻ em từ những điều rất thiết thực, từ yêu bố mẹ người thân, đến yêu đất nước, làng xóm rồi mới thành công dân toàn cầu.

Không phân biệt giáo viên tư thục hay công lập

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đánh giá mạng lưới Đại học Sư phạm rất quan trọng từ giáo viên phổ thông cho đến đại học. Ông Bình nói việc tuyển sinh sư phạm đặt ra nhiều vấn đề cùng câu hỏi: Ngành sư phạm của chúng ta hiện tại như thế nào?

Theo ông Phan Thanh Bình, hiện ngành giáo dục rất khó điều hành. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là giáo viên là viên chức do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cũng cần chú ý và có những điều chỉnh, kiến nghị hợp lý.

Theo ông Phan Thanh Bình, Bộ GD&ĐT cần có chiến lược xây dựng đội ngũ giáo viên. Trong đó, ngoài đào tạo, chúng ta cần có chính sách đúng cho thầy cô về vị trí, chất lượng, không phân biệt giáo viên trường công lập hay tư thục mà là vị thế cho xã hội. Những điều này cần nhìn nhận đúng vì giáo viên là kỹ sư tâm hồn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nêu giáo dục phổ thông phải đặt ra yêu cầu về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Hiện tại, chúng ta phải đào tạo tốt nhân lực trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa, khoa học công nghệ đang đi sâu vào mọi lĩnh vực. Giáo dục đại học cần nêu cao vai trò tự chủ, tạo điều kiện cho các trường phát huy, tạo nhân lực trình độ cao phát triển.

Ông Phan Thanh Bình nêu THPT Quốc gia vẫn được nói đến là kỳ thi “2 trong 1”, vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh vào đại học, nhưng kỳ thi này chủ yếu vẫn là đánh giá học sinh sau 12 năm. Việc tuyển sinh đại học vẫn là việc của các trường.

Nếu lấy kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển đại học sẽ có tình trạng thí sinh đạt điểm 28, cộng điểm ưu tiên trở thành hơn 30. Vì vậy, các trường đại học cũng nên tự chủ trong tuyển sinh.

Về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông Phan Thanh Bình cho rằng Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ cùng Bộ GD&ĐT thực hiện chương trình tốt nhất, không làm gấp gáp mà cần chuẩn bị chương trình trọn vẹn từ phương pháp, giáo viên, đến điều kiện các vùng dân tộc còn nhiều khó khăn.

Vẫn còn thừa, thiếu cục bộ giáo viên

Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ GD&ĐT cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Trong đó, chủ yếu thừa giáo viên trung học cơ sở, thiếu giáo viên mầm non, Tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn: Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Họa…

Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Một số giáo viên thiếu kỹ năng, phương pháp sư phạm, cá biệt có người vi phạm đạo đức nhà giáo. Năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ quản lý còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình quản lý chất lượng dựa trên chuẩn, tiêu chuẩn; dân chủ trong trường học còn nhiều bất cập.

Một số cơ sở đào tạo giáo viên chậm đổi mới nội dung, phương pháp, chưa chú trọng cho sinh viên thực hành nghề nghiệp, chưa phối hợp tốt với địa phương trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Số lượng giảng viên đại học tăng so với năm học 2015 – 2016, tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống còn ở mức thấp, đặc biệt tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường cao đẳng sư phạm còn quá thấp (chiếm khoảng 3,4%).

Đặc biệt tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương cho biết việc phân bổ biên chế chưa thực sự hợp lý. Bà Nguyễn Thị Minh Giang (Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang) cho rằng, với quy định hiện phân bổ biên chế theo số lượng học viên là chưa hợp lý đối với các khu vực vùng sâu, xa.

“Hiện ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang thiếu gần 1.000 biên chế các cấp, mầm non còn thiếu hơn 500 biên chế, nhưng khi làm việc với Bộ Nội vụ thì biên chế phân theo số học sinh. Chúng tôi là tỉnh vùng sâu, xa, có hơn 700 trường học mà tới 1.900 điểm lẻ.

Chúng tôi đã giảm hết mức các điểm lẻ, khoảng cách các điểm là 5-10 km nên không thể giảm hơn được nữa, có thể tính số biên chế theo lớp chứ không thể làm theo đầu người. Điều đó là hết sức khó khăn trong quá trình điều hành, giảng dạy”, bà Giang nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ GD&ĐT cần làm việc với các bộ, ngành liên quan để có những điều chỉnh hợp lý.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đề nghị tăng cường biên chế, đặc biệt là biên chế cho các trường mầm non để đảm bảo hoạt động giáo dục.