Những điểm mới tập trung vào nhóm giải pháp mà Bộ đưa ra để khắc phục tình trạng gian lận thi cử như đã xảy ra năm 2018.
Camera an ninh giám sát phòng bảo quản đề thi 24/24
Trong các vụ gian lận thi cử xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, hay Hòa Bình, những người làm nhiệm vụ chấm thi, bảo quản bài thi đã bắt tay nhau để nâng bài, sửa điểm cho thí sinh được “nhờ giúp đỡ”. Các đối tượng ngang nhiên làm điều này mà không bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Dù trước đó, Bộ GDĐT đề ra quy định rất chặt chẽ từ lúc xé niêm phong túi đựng bài thi đến khi quét ảnh, có sự giám sát, lưu giữ và bảo mật tại Sở Giáo dục, nhưng người thực thi vẫn có thể đổi trắng thay đen. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Bộ GDĐT cần lắp camera tại phòng chấm thi của 63 tỉnh thành, để giám sát, kiểm tra lại khi cần thiết.
Về điều này, ông Mai Văn Trinh cho biết Bộ GDĐT đã có những tiếp thu và sửa quy chế thi theo hướng: Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày. Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, có công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày.
Trường ĐH chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm
Nếu như năm 2018, việc chấm thi THPT quốc gia được giao cho địa phương, thì từ năm 2019, việc này được giao cho các trường ĐH chủ trì.
Trường ĐH được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ cử người để Giám đốc Sở GDĐT ra Quyết định thành lập Ban Chấm thi trắc nghiệm. Ban Chấm thi trắc nghiệm chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia.
Thành phần của Ban Chấm thi trắc nghiệm gồm: Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH đảm nhiệm. Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm điều hành công tác chấm thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi…
Chấm bằng phần mềm chuyên dụng của Bộ GDĐT
Theo dự thảo quy chế thi, các phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GDĐT cung cấp.
Ngay khi quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm của Hội đồng thi, dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) phải được sao lưu ra đĩa CD hoặc DVD thành 3 bộ đĩa giống nhau, đóng gói niêm phong; bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ; 1 bộ đĩa gửi về Bộ GDĐT để quản lý và giám sát; đồng thời, gửi tệp dữ liệu ảnh quét dưới dạng mã hóa về Bộ GDĐT.
Sau khi hoàn thành khâu xử lý kỹ thuật dữ liệu ảnh quét, Tổ chấm bài thi trắc nghiệm mới được tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Coi trọng khâu tập huấn, lựa chọn con người
Dù đưa ra nhiều giải pháp về mặt kỹ thuật, ông Mai Văn Trinh vẫn cho rằng thành bại kỳ thi THPT quốc gia phụ thuộc vào yếu tố con người. Trong đó khâu lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi là rất quan trọng.
Năm 2019, công tác tập huấn cho cán bộ tham gia kỳ thi sẽ được Bộ GDĐT đặc biệt chú trọng, nhất là phối hợp với Bộ Công an để tập huấn cho cán bộ các nghiệp vụ phát hiện và phòng ngừa gian lận.