Thông tin trên được ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đưa ra tại tọa đàm Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học 2019, tổ chức ở Hà Nội ngày 27/11.
Ông Nghệ cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 giống các năm trước. Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức một kỳ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ xét tuyển đại học.
Bộ GD&ĐT hướng đến đề thi đạt hai mục tiêu này. Câu hỏi không quá đánh đố học sinh nhưng việc thực hiện không dễ.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: A.T. |
Ông chia sẻ lại câu chuyện đề thi THPT quốc gia năm 2017 bị cho là quá dễ, dẫn đến “mưa” điểm 10, học sinh đạt 27-29 điểm vẫn chưa chắc trúng tuyển vào ngành/trường mong muốn.
Kỳ thi 2018, ban làm đề được lựa chọn cẩn trọng, gồm nhiều giáo viên, giảng viên giỏi từ trường phổ thông, đại học nhưng đề thi lại bị phản ứng là quá khó.
Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến cho học sinh làm thử và giáo viên phản biện đề với số lượng lớn hơn, phạm vi rộng hơn, đảm bảo đề chính thức đạt mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa đủ phân hóa để các trường căn cứ xét tuyển đại học.
Phạm vi kiến thức trong đề thi sẽ bao gồm cả lớp 10, 11, 12, trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu. Điều này đã được thông báo từ năm 2017.
Nói về kỳ thi THPT quốc gia 2019, nhiều học sinh, giáo viên mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi chính thức để học và ôn tập cho tốt.
TS Vũ Thế Quân – Hiệu trưởng trường THPT Đông Đô, Hà Nội – đề nghị bộ nên có văn bản rõ ràng, trọng tâm về kỳ thi THPT quốc gia 2019 được triển khai như thế nào.
Thầy Đào Tuấn Đạt – phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh Hà Nội – cho hay tình trạng chung của các trường phổ thông là ôn tập cơ bản. Bộ GD&ĐT chưa công bố phương án thi chính thức nên tất cả chỉ biết chờ đợi.