CHĂM LO TẾT CHO NHÀ GIÁO, ĐẶC BIỆT Ở NHỮNG VÙNG KHÓ KHĂN - Trường THPT Hoàng Mai

CHĂM LO TẾT CHO NHÀ GIÁO, ĐẶC BIỆT Ở NHỮNG VÙNG KHÓ KHĂN

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu giám đốc ĐH, học viện, viện; hiệu trưởng trường ĐH; hiệu trưởng trường CĐ sư phạm; trung cấp sư phạm; giám đốc sở GD&ĐT triển khai thực hiện các công việc liên quan đến chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Trong đó yêu cầu tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21- CT/TW về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 1789/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019.

Chủ động kế hoạch triển khai chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; duy trì thông suốt các hoạt động chuyên môn trước và sau kỳ nghỉ Tết.

Quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội; không đi lễ hội trong giờ hành chính … Dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ.

Theo Bộ GD&ĐT, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức thăm hỏi, chúc tết các đồng chí lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhà giáo lão thành, nhà giáo là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với các nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác tại các vùng biên giới, miền núi, hải đảo của Tổ quốc, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ trong năm 2018.

Chủ động liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp vận tải hành khách tổ chức bán vé tàu, xe tại trường cho sinh viên, học sinh về nghỉ Tết. Bố trí thời gian cho sinh viên các trường ĐH, CĐ, học sinh các trường dân tộc nội trú nghỉ tết và trở lại trường phù hợp, giảm áp lực giao thông trước và sau tết Nguyên đán. Quan tâm tổ chức chu đáo việc đón Tết đối với học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết cùng gia đình.

Quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên về công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm; nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông, các quy định về an toàn giao thông. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên tàng trữ, vận chuyên, buôn bán, sử dụng pháo nổ.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm, tặng quà, chúc Tết các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn ngành Giáo dục Bắc Giang.

Tới thăm cô giáo Vũ Thị Anh, giáo viên Trường Mầm non Vô Tranh 1, xã Vô Tranh – một trong những xã khó khăn của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã được chứng kiến và chia sẻ với cuộc sống muôn vàn khó khăn của gia đình cô giáo trẻ. Cô giáo Vũ Thị Anh là trụ cột gia đình, đồng lương ít ỏi của một giáo viên mầm non được cô tằn tiện để nuôi mẹ già, chị gái, chồng không có việc làm và 2 con nhỏ.

Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng trong cuộc trò chuyện với người đứng đầu ngành Giáo dục, cô giáo Vũ Thị Anh không nhắc tới hoàn cảnh gia đình. Cô giáo chia sẻ với Bộ trưởng công việc hàng ngày của một giáo viên mầm non có thâm niên công tác 9 năm, những niềm vui và cả những áp lực trong công việc.

Tới thăm gia đình vợ chồng thầy giáo Nguyễn Xuân Đưa (Trường THCS Vô Tranh, huyện Lục Nam) và cô giáo Nguyễn Thị Nhài (Trường Mầm non số 2 Nghĩa Phương, huyện Lục Nam), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được lắng nghe những chia sẻ của một gia đình giáo viên có đời sống rất khó khăn nhưng đầy nhiệt huyết trong công việc.

Thầy Nguyễn Xuân Đưa là giáo viên Sinh học và Công nghệ có thâm niên công tác 18 năm, quê thầy ở Hải Dương, tốt nghiệp THPT thầy thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Giang và gắn bó với mảnh đất Bắc Giang từ đó. Có nhiều năm là giáo viên dạy giỏi nhưng câu chuyện đầu năm với người đứng đầu ngành Giáo dục lại là những chia sẻ của thầy Đưa về một vấn đề đang được nhắc đến nhiều trong những ngày qua của ngành Giáo dục là thi giáo viên giỏi.

Bộ trưởng đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và góp ý của thầy cô giáo đối với ngành, đồng thời cũng có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo. Tâm thế đổi mới là điều được người đứng đầu ngành Giáo dục nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ này.

Nhìn lại năm 2018, Bộ trưởng đề cập tới những việc ngành Giáo dục đã làm được, đó là những thành quả của giáo dục đại trà thể hiện qua những đánh giá của các tổ chức quốc tế; đó là thành tích ấn tượng của giáo dục mũi nhọn thông qua kết quả của các đoàn học sinh Olympic quốc tế. Đóng góp vào thành quả chung đó có sự nỗ lực của ngành Giáo dục Bắc Giang – một trong những địa phương có quy mô giáo dục lớn nhưng luôn dẫn đầu về chất lượng dạy và học.

Bộ trưởng nhấn mạnh đến tâm thế đổi mới của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và mong rằng, Bắc Giang sẽ đi đầu trong việc quán triệt tâm thế này để mỗi giáo viên, mỗi cán bộ quản lý thực sự thay đổi, trở thành một phần tích cực của đổi mới.

T.Fan