10 năm sau vụ tai nạn kinh hoàng, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) ngày càng thêm tự tin khi có thể đứng vững chỉ với một chân, kiên trì với nghề dạy học.
“Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi
Anh thương binh vẫn đến trường làng
Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”.
Lời bài hát vang lên trong căn nhà nhỏ, nối với trục đường chính bằng cây cầu bắc ngang con kênh chảy qua trước nhà, kiểu nhà điển hình của miền tây sông nước.
Hàng ngày, cô Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1986, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) đi qua cây cầu đó trên chiếc xe 3 bánh tự chế để đến trường. Cô vẫn nói đùa mình như “anh thương binh” nhưng thay vì ôm đàn, nữ giáo viên “ôm chữ” đến lớp học để mang cho tụi nhỏ kiến thức.
Tròn 10 năm sau vụ tai nạn giao thông, cô Tâm không đầu hàng số phận, vẫn bền bỉ với những bước chân tròn trên nạng gỗ đến trường dạy học.
“Đứng trên bục giảng là ao ước lớn nhất trong đời”
Một ngày cuối tháng 8/2009, Minh Tâm khi ấy mới 23 tuổi, đang trên đường đi vận động học sinh đến trường THPT Tân Thành (xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng), nơi thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh, thì bất ngờ gặp tai nạn.
Ôtô chở vật liệu xây dựng lên được nửa cầu, bị tuột dốc, lao thẳng vào cô, bánh sau xe tải cán lên chân. Cô gái tỉnh dậy tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với cơ thể không còn lành lặn.
Thỉnh thoảng lật giở những bức hình cũ từ nhiều năm trước, một cô gái tròn 20 tuổi với đôi chân thon dài, Minh Tâm vẫn mỉm cười nhưng không còn quá nuối tiếc về một hình ảnh đẹp của bản thân ngày xưa. |
Cú sốc lớn ở độ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết khiến cô suy sụp hoàn toàn. Nhưng bằng tình yêu thương của má Bảy, chị Hai và đám học trò nhỏ, Tâm dần lấy lại niềm tin trong cuộc sống.
“Nghĩ lại cũng thấy may mắn, dù có chán nản đến đâu, mình cũng chưa bao giờ sống tiêu cực”, nữ giáo viên nói.
Chiếc chân giả nặng 2 kg trở thành người bạn đồng hành của cô 10 năm nay. Nó giúp cô có thể đi lại không cần sự trợ giúp của nạng gỗ và hơn cả là mang đến cho người phụ nữ vẻ bề ngoài như chưa từng xảy ra vụ tai nạn thương tâm ngày ấy.
Chiếc chân giả giúp cô Tâm đi lại thuận tiện hơn: “Không nói thì nhiều người không biết mình là người khuyết tật”. |
Cô Tâm trở lại với nghề giáo sau những ngày tháng tập luyện vất vả. Chiếc xe ba bánh tự chế giúp cô đi lại dễ dàng hơn. |
Ra viện, vì vấn đề sức khỏe, cô được chuyển đến làm công việc văn phòng tại trường THPT Thiên Hộ Dương (TP Cao Lãnh). Mỗi ngày nhìn đồng nghiệp đứng trên bục giảng, đám học sinh nô đùa vui vẻ, ước mơ của cô sinh viên sư phạm Toán thuở nào đã thôi thúc khiến cô mạnh dạn xin được đứng lớp.
Những e ngại, dè dặt ban đầu của nhiều người dần bị giáo viên trẻ chinh phục. Cô tập đi bằng chân giả, nạng gỗ. Những bài giảng luôn hấp dẫn, cuốn hút học sinh, những tiết học luôn rộn vang tiếng cười.
“Những thiên thần áo trắng” là động lực để cô Tâm ngày ngày đến trường. |
Nỗ lực không ngừng nghỉ
4h30 sáng, tiếng chuông đồng hồ báo thức vang lên, cô Tâm thức giấc. Gian phòng bên cạnh, má Bảy vẫn chìm trong giấc ngủ. Bên ngoài, trời bắt đầu le lói những ánh sáng đầu tiên.
Nhẹ nhàng đánh răng, rửa mặt rồi mở cửa ra ngoài, cô di chuyển đến phòng tập gym cách nhà 2 km. Với sự ý trí bền bỉ, cô đã luyện tập được hơn 2 năm.
Tranh thủ lúc tập luyện, cô Tâm nghe thêm tiếng Anh và đọc sách. |
Những bài tập đổ mồ hôi, cơn đau kéo đến nhưng cô vẫn kiên trì mỗi ngày, bởi có sức khỏe tốt mới đứng vững trên bục giảng. |
Sau màn khởi động, cô tập đi trên máy chạy bộ. “Ngày đầu, mình chỉ đi được vài bước chân là mệt xỉu nhưng động viên bản thân cố thêm chút nữa, mỗi ngày từng chút một. Đến giờ, mình đi liên tục được 10 phút”, nữ giáo viên nói.
Cô chia sẻ có lần đi Nhật Bản thăm người thân, trước lúc đi cũng lo về chuyện đi lại, vì bên đó mọi người chủ yếu đi bộ và tàu điện ngầm. Lúc ấy, cô chỉ đi được tối đa 500 m mỗi ngày. “Nhưng không ngờ mình đã đi được 7 km, thực sự bất ngờ về chính bản thân”, cô giáo nhớ lại.
Cô Tâm tự tin khi bây giờ có thể chơi được nhiều môn thể thao như cầu lông, nhảy dây. |
Thời gian chưa bao giờ đủ
Anh Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1989) gặp tai nạn từ 9 năm trước, phải nằm một chỗ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng (Đồng Tháp). Đến bây giờ, anh còn nhớ mãi hình ảnh cô gái dong dỏng cao, chân đi hơi khập khiễng nhưng lúc nào cũng nở nụ cười tươi rói. Khi biết được câu chuyện của cô, anh thực sự kinh ngạc.
“Người ta là phụ nữ còn mạnh mẽ như vậy, trong khi mình còn cả cơ thể lành lặn, không thể phó mặc cho số phận được”, anh Toàn tâm sự. Từ đó, chàng trai quyết tâm tập luyện để một ngày nào đó có thể đi lại bình thường.
Anh Toàn là một trong nhiều người thuộc nhóm đối tượng mà cô Minh Tâm hướng đến. Cô thành lập câu lạc bộ thiện nguyện, giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh như mình với mong muốn phần nào có thể lan tỏa những điều tích cực đến với họ.
Không chỉ thăm hỏi, động viên những người có hoàn cảnh giống mình, cô giáo trẻ còn tổ chức những buổi phát cháo từ thiện hay chương trình văn nghệ để kết nối mọi người gần nhau hơn. |
Bên cạnh việc tham gia câu lạc bộ thiện nguyện, nữ giáo viên còn kèm thêm cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Chiếc bảng trắng treo ngay ngắn trên tường ngả màu theo thời gian, có mảng vỡ toạc phải dùng giấy che lại, nhưng đây là nơi ghi dấu biết bao bài giảng miễn phí của cô Tâm dành cho những học trò có hoàn cảnh đặc biệt.
“Giúp được tụi nhỏ chút nào hay chút đó. Bản thân mình cũng thấy vui hơn”, nữ giáo viên tâm sự.
Hàng ngày, những bước chân tròn của nữ giáo viên vẫn xuất hiện trên bục giảng trên lớp và cả ở nhà. Bức tường treo đầy bằng khen cô Tâm nhận được bao năm qua, đó như một phần thưởng xứng đáng cho những gì cô cống hiến vì sự nghiệp giáo dục. |
Cứ thứ năm hàng tuần, cô vận động học sinh tham gia làm sạch cảnh quan trường học. Ban đầu chỉ một vài em tham gia. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, số lượng học sinh tăng lên đáng kể.
“Thay đổi ý thức tụi nhỏ từ những điều nhỏ mới hy vọng có thể khiến các em suy nghĩ về những thứ lớn lao hơn”, cô Tâm cho hay.
24 giờ một ngày với cô Tâm chưa bao giờ là đủ. Thức dậy từ 4h30 sáng tập gym, sau đó đến trường, dạy miễn phí cho học sinh, đi làm từ thiện…, công việc cuốn cô miệt mài hết ngày này qua ngày khác.
Cô bảo công việc dồn dập nhiều khi khiến mình quên đi bản thân là người khuyết tật, chỉ khi tối về tháo chiếc chân giả ra, cô mới cảm thấy đau nhức. Nhưng những mệt mỏi đó theo cô chỉ là chút thử thách mà ông trời mang đến.
“Nghịch cảnh không phải bất hạnh mà là món quà cuộc sống ban tặng”, câu khuyết danh mà cô Tâm nhớ mãi. Với người giáo viên ấy, có gặp khó khăn mới biết bản thân mình có thể chống chọi đến mức nào, có thể mạnh mẽ đến mức nào, cô vẫn tự nhủ với bản thân như vậy.