HÀ NỘI TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG GIAI ĐOẠN 2017-2021 - Trường THPT Hoàng Mai

HÀ NỘI TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG GIAI ĐOẠN 2017-2021

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1763/VP-KGVX về việc triển khai Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường giai đoạn 2017-2021.

Tại công văn này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã triển khai, thực hiện Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28-12-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Chương trình hành động Phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021.

Trước đó, để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm nhằm giảm thiểu bạo lực học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường giai đoạn 2017-2021 với mục tiêu cụ thể:

100% các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống bạo lực học đường cho cán bộ, nhà giáo và người học; 100% các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường; rèn luyện kỹ năng sống cho người học; 100% các cơ sở giáo dục công khai kế hoạch và các kênh tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường.

Ảnh minh họa

100% cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và cơ sở giáo dục có quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương về phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc bạo lực học đường; Thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời khi có người học bị bạo lực học đường; 100% các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai thực hiện bộ Quy tắc ửng xử văn hóa trong trường học.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống bạo lực học đường; Ttích hợp nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực học đường vào các hoạt động giáo dục, nội dung chương trình, sách giáo khoa; xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở giáo dục; nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục; rà soát, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, giám sát và xử lý về bạo lực học đường.

Nguồn: phatluatxahoi.vn