SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT HOÀNG MAI
Người thầy làm việc chạy theo chỉ tiêu thi đua, mất quyền tự chủ… dẫn đến hệ quả tai hại giáo viên phải chấp hành, đối phó không tập trung vào chất lượng dạy học.
PGS.TS Trần Hữu Quang chia sẻ áp lực thi đua, thành tích của người thầy kéo dài từ lâu đến tận bây giờ
Giáo viên như những học sinh cấp 4
Có đến 79% giáo viên (GV) cảm thấy bị áp lực chỉ tiêu thành tích trong hoạt động giảng dạy, trong đó mức độ 6% cảm thấy rất thường xuyên, 19% cảm thấy thường xuyên. Có 28,6% GV cho rằng áp lực chỉ tiêu thi đua làm giảm sút chất lượng dạy học. 31,8% GV cho rằng cần loại bỏ chỉ tiêu thi đua trong nhà trường.
Về áp lực của GV, một GV dạy ngoại ngữ ở TPHCM đã trả lời nhà nghiên cứu nói như sau:
“GV Việt Nam như những học sinh cấp 4. Đầu năm phải nộp kế hoạch giảng dạy cho dù năm nào cũng kế hoạch ấy chỉ khác năm và lớp. Rồi đến kiểm tra giáo án, sổ báo giảng… trong khi dạy học là một nghệ thuật, tùy theo trình độ học sinh, sao có thể dùng chung một giáo án?
Rồi đến dự giờ, thao giảng là những màn kịch cho cả thầy và trò diễn. Thử hỏi bao nhiêu “viên phấn vàng” dạy các bước, kỹ thuật như lúc dự giờ, thao giảng?”.
Một GV khác cũng nêu ý kiến rằng áp lực chỉ tiêu thi đua nhiều GV không mạnh dạn để HS kém ở lại lớp, không dám dạy thật học thật nên HS “ngồi nhầm chỗ”. Rồi nghịch lý GV dạy thật học thật thì có thể cuối năm không được xét thi đua, thậm chí bị cắt đứng lớp, còn ngược lại… thì lại được khen thưởng.
Giáo viên ôm đồm quá nhiều việc
Ngoài công việc chuyên môn áp lực như chương trình nặng, SGK quá tải, áp lực hoàn thành các chỉ tiêu… nghiên cứu cũng chỉ ra, ngoài giảng dạy, GV phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ như thu tiền, làm vệ sinh trường lớp, công tác đoàn thể, hồ sơ sổ sách… nặng nề nhất là ở bậc tiểu học.
Tham dự buổi ra tọa đàm, anh Trần Anh Khôi, phụ huynh ở Gò Vấp, TPHCM kể trường hợp hài hước, con anh về xin tiền bố mẹ để đóng cho phong trào kế hoạch nhỏ. Cô giáo dặn, nếu em không đóng là sẽ ảnh hưởng đến thành tích của lớp, lớp bị trừ thi đua.
“Chỉ một câu chuyện đó thôi đã vỡ lẽ bao nhiêu vấn đề nhức nhối trong giáo dục. Thứ nhất là kế hoạch nhỏ để giáo dục học trò lại thành về nhà xin tiền cha mẹ để đóng. Rồi cái hoạt động đó không phải là chuyên môn nhưng cũng lại có thể đánh vào thi đua của GV”, ông bố nói.
Trả quyền tự chủ cho người thầy
Dẫn ra nhiều bài báo về áp lực thành tích, thi đua của GV, PGS. TS Trần Hữu Quang cho hay từ năm ông thực hiện nghiên cứu đến nay vẫn đề này vẫn làm khổ GV. Chạy theo chỉ tiêu, thành tích, dẫn đến hệ lụy là dạy học nhồi nhét, thi thố chiếm mất năng lực sư phạm và sáng tạo của người thầy mà ông Quang đánh giá đây cũng là tình trạng chảy máu chất xám trong giáo dục.
Và lo ngại hơn trong không ít trường hợp, lương tâm đạo đức nghề nghiệp của người thầy bị bào mòn như ép HS học thêm, bài làm đáng điểm 2 thì cho điểm 5.
PGS. TS Trần Hữu Quang cũng phản bác quan điểm thi đua tạo “động lực” trong giáo dục. Động lực này không thực chất, đó là động lực ngoại lai, người ta làm vì phần thưởng, khen ngợi, hay khỏi bị chê trách.. Nó không phát huy được động lực nội tại, làm vì quan tâm đến công việc, vì đạo đức, lương tâm, vì khát vọng…
Theo TS Quang, áp lực thi đua hình thức làm người ta quan tâm đến những cái bên ngoài hơn là cái bên trong, cái cốt lõi dẫn đến đảo lộn những bậc thang giá trị như dạy chay, học vẹt, mua điểm, chạy trường, chạy bằng…
“Xu hướng chạy theo thành tích là một hiện tượng bệnh hoạn làm tê liệt cả thầy lẫn trò”, PGS.TS Trần Hữu Quang nói và đề xuất một trong những việc cần làm bãi bỏ các chỉ tiêu thi đua và khôi phục quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo nhất tự chủ trong việc phân phối chương trình, lựa chọn SGK miễn sao đảm bảo chương trình của Bộ GD-ĐT.
4 kiến nghị đối với giáo dục phổ thông của cuộc khảo sát:
1, Miễn học phí và tất cả các khoản thu vô lý trong trường công lập đối với cấp tiểu học và THCS.
2, Cải tổ chế độ lương bổng cho nhà giáo
3, Bãi bỏ các chỉ tiêu thi đua và khôi phục quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo
4, Cải tổ phương thức quản trị nhà trường và quản lý giáo dục