SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT HOÀNG MAI
Theo ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019, nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông.
Kết quả thi có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung.
Việc ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia vẫn được các địa phương thực hiện một cách chủ động, không lệ thuộc vào đề thi minh họa. Ảnh:P.T |
Khi Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa, các giáo viên và học sinh có thể căn cứ các bộ đề thi năm 2019 để làm quen với cấu trúc đề và các dạng câu hỏi trong đề thi, bám sát dạng thức đề này để cho học sinh làm quen với đề và cách thức làm bài. Theo quy chế thi hiện tại thì thí sinh sẽ thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT).
Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa để phục vụ cho xét tuyển ĐH, CĐ. Theo đó, đề thi cho mỗi môn thành phần trong bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu hỏi trắc nghiệm).
Theo Thông tư mới nhất số: 03/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT: “Nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12”. Như vậy, cũng có khả năng có câu hỏi thuộc chương trình lớp 10. Theo nhận định của một số giáo viên, kiến thức của hầu hết các môn đều có tính hệ thống ở các lớp học từ dưới lên nên dù nội dung thi có rơi vào một phần lớp 10 thì cũng khóng làm khó được việc dạy và học của thầy và trò.
Ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh việc tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên các môn học ở cấp THPT.
Các địa phương đã chủ động có kế hoạch cho kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT Hà Nội, TP HCM đã có lưu ý về việc chủ động cho học sinh làm quen với hình thức các bài thi trắc nghiệm. Sở GD&ĐT Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị có liên quan tiến hành rút kinh nghiệm mọi mặt quá trình chuẩn bị; tích cực thực hiện các buổi hội thảo đánh giá, phân tích kết quả điểm bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Đặc biệt chú trọng phân tích một cách nghiêm túc, khoa học, xác thực đối với những “bài thi điểm liệt”, “bỏ trắng phương án lựa chọn trong bài thi trắc nghiệm” và đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo định hướng đánh giá năng lực người học; Nghiêm túc xây dựng kế hoạch thường xuyên ôn luyện kiến thức, giúp học sinh chủ động chuẩn bị đủ kiến thức để tham dự kỳ thi.
Công tác lựa chọn nhân sựu cho kỳ thi cũng được Bộ GD&ĐT tiếp tục yêu cầu các địa phương làm tốt. Tăng cường quán triệt quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi. Đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Trên thực tế, việc tổ chức ôn tập và thi THPT quốc gia ở các địa phương trong mấy năm qua đã thành nếp, không gây bỡ ngỡ, nhất là khi quy chế thi về cơ bản không có gì thay đổi. Vì thế, dù không có đề minh họa năm 2020, việc dạy và học, các công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tiến hành chủ động, tích cực.
Nguồn: PL&XH