GD&TĐ – Trước vụ xâm hại học sinh diễn ra ở Phú Thọ, các chuyên gia cho rằng, học sinh phải được trang bị kiến thức về giới tính, về kĩ năng tự vệ. Các thầy cô giáo cũng phải nhận thức tầm quan trọng của việc này để tìm ra các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là những em phải ở nội trú, xa gia đình.
Học sinh cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ
TS Trần Thành Nam – Chuyên gia Tâm lí học đến từ Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhận xét: Trước đây, nhiều người còn không nghĩ rằng, học sinh nam cũng bị lạm dụng tình dục vì cho rằng “con trai thì chẳng bị làm sao, chẳng mất gì” và thường chủ quan, không hỗ trợ con trong việc phòng tránh. Đây là nhận thức sai lầm của nhiều bậc phụ huynh.
Trong trường hợp bản thân hoặc bạn mình bị xâm hại, một là đứa trẻ sẽ đứng lên phản ánh, hai là im lặng để tránh các hệ lụy, rắc rối với bản thân. Đứa trẻ hoặc phải đủ đầy kiến thức hoặc có lòng tự trọng lớn mới có thể mạnh dạn lên tiếng. Còn khi các em không được giáo dục bài bản về quyền, về luật pháp, về các kiến thức xâm hại thì sẽ không dám lên tiếng.
Ngoài ra, trong môi trường nội trú, đội ngũ các thầy cô giáo có những yếu tố đặc thù. Được học sinh coi như cha mẹ trong gia đình, do vậy hành vi ứng xử của các thầy cô hết sức quan trọng, sự gương mẫu, chuẩn mực là đòi hỏi được đề cao ở đội ngũ giáo viên.
Bởi vậy, công tác tuyển người cho những vị trí này cần tính cả yếu tố tâm lý. Ở những trường nội trú, trường tiểu học thì những người được chọn để giảng dạy ở đây càng cần cân nhắc về phẩm chất đạo đức. Và không thể không nhắc đến công tác khám chữa bệnh thường xuyên đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ công tác giáo dục, đặc biệt về mặt tinh thần.
Phải yêu cầu khám bắt buộc về mặt tinh thần, như kiểm tra xem thầy cô nào đang ở trong tình trạng quá tải, lo âu, trầm cảm hay các bệnh như loạn dục, ấu dâm… Qua đó có thể phát hiện và thuyên chuyển đến các vị trí phù hợp hơn.
Chuyên gia Giáo dục, TS Trần Thành Nam |
Ngành Giáo dục không thể nào suốt ngày đi xử lý hết tất cả các vụ việc mà cần có các phương án phòng trừ từ gốc. Giờ giống như một cơ thể khi bị ung thư, cần phải đại phẫu, chịu đau một chút để sàng lọc hết một lần trong toàn hệ thống 1,3 triệu giáo viên về mặt sức khỏe tinh thần.
Để những sự việc tương tự không xảy ra, theo ông Nam, trước hết những đứa trẻ phải dám nói. Cần giáo dục trong gia đình và cấp tiểu học, để ngay từ nhỏ, các em biết được rằng trong những tình huống nào cần phải đấu tranh nói ra những cái xấu. Ngoài ra, các em cần phải biết về những thông tin liên quan đến quyền lợi của mình, phải có những đường dây nóng của trẻ em được phổ biến trong trường.
Đặc biệt, những môi trường có nhiều nguy cơ trẻ bị xâm hại thì nội dung phòng chống xâm hại tình dục phải được đưa vào chương trình chính khóa hoặc sinh hoạt ngoại khóa. Cần thiết cho trẻ ý thức và nhớ được những số điện thoại liên hệ khi xảy ra vấn đề và yên tâm rằng nếu báo sẽ không bị trù dập. Ngay cả giáo viên cũng cần biết điều này.
Trang bị kiến thức cần thiết cho học sinh
Từng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa với chủ đề phòng chống xâm hại tình dục, trung tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia Tội phạm học – Bộ Công an nhận định: Đây là vụ án rất nghiêm trọng xảy ra trong môi trường giáo dục, đặt ra hàng loạt vấn đề trong việc trang bị cho trẻ em các kĩ năng để tự bảo vệ mình trong hoàn cảnh không có người lớn, người thân bên cạnh.
Với tình trạng các vụ ấu dâm, dâm ô với trẻ em đang gia tăng, việc giáo dục kiến thức giới tính, kỹ năng tự bảo vệ bản thân đối với trẻ em là vô cùng cần thiết. Đặc biệt với trẻ em ở độ tuổi tiểu học dễ bị các đối tượng lợi dụng sự sợ hãi và thiếu hiểu biết để che giấu hành vi phạm tội của mình.
Theo ông Hiếu, việc đầu tiên là gia đình và nhà trường phải tăng cường trang bị cho các em kiến thức về quyền được bảo vệ của mình, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, danh dự nhân phẩm, sức khỏe theo Luật Trẻ em năm 2016. Các em cần phải hiểu được mình đang được pháp luật bảo vệ và có thái độ rõ ràng với những hành vi xâm phạm.
Việc thứ hai là trang bị cho các em những kiến thức về những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và không ai được phép xâm phạm. Đây là những kiến thức của chương trình giáo dục giới tính đã được tích hợp trong trường phổ thông, tuy nhiên việc giảng dạy vẫn chưa được các nhà trường quan tâm một cách đầy đủ.
Việc thứ ba là dạy cho các em biết những nguy cơ có thể xảy ra với mình trong môi trường sinh hoạt xã hội, tham gia vào các hoạt động xã hội. Cần trang bị cho các em những kiến thức về nguy cơ có thể xảy đến để đề phòng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra như bị lạm dụng bởi người thân, người quen, hoặc cả trường hợp không ngờ tới là thầy cô giáo như trường hợp ở Thanh Sơn, Phú Thọ vừa qua. Cần cho học sinh biết những nguy cơ có thể xảy đến với mình để các em có ý thức cảnh giác.
Tiếp theo là trang bị cho học sinh các kiến thức liên quan đến xử lí tình huống, phòng tránh để không để sự việc xảy ra. Ví dụ như, không để người lạ tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm, có nhiều nguy cơ, dấu hiệu của tội phạm để các em biết cách ứng xử. Hoặc khi tình huống đã xảy ra rồi, cũng cần cho các em kiến thức để ứng xử khôn ngoan, sau đó tố giác tội phạm với người lớn trong gia đình và các cơ quan chức năng.