SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT HOÀNG MAI
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây đã công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018 tại 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bà Lê Thị Mỹ Hà – Giám đốc Trung tâm Đánh giá giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, lần công bố này có một số điểm đặc biệt hơn so với các kỳ đánh giá trước mà Việt Nam tham gia.
Ảnh minh họa.
Kết quả cao
Thông tin tóm tắt về kết quả PISA 2018 trên bảng kết quả của OECD công bố cho thấy, Đọc hiểu – lĩnh vực trọng tâm của chu kỳ 2018, Việt Nam đạt 505 điểm, điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 19/65; chu kỳ 2015 đúng thứ 32/70). Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, điểm số cao thứ 24/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 17/65; chu kỳ 2015 đứng thứ 22/70). Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 8/65; chu kỳ 2015 đứng thứ 8/70).
Thế mạnh của học sinh Việt Nam bước đầu được tìm thấy trong Báo cáo của PISA là ở tinh thần thái độ tích cực làm bài, tỷ lệ có mặt tham gia cao, tỷ lệ trả lời hết các câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới. Qua câu hỏi ở cuối đề thi về việc tự đánh giá nỗ lực của bản thân khi làm bài, hầu hết học sinh Việt Nam đánh giá mình đã làm bài thi PISA với nỗ lực cao nhất. Với câu hỏi này, học sinh Việt Nam đạt mức nỗ lực cao nhất là 9,9/10.
Về thời gian làm bài, nhiều học sinh ở các nước đã phải bỏ một số câu hỏi khi kết thúc thời gian ở cuối mỗi phần thi. Tỷ lệ các câu hỏi không làm được là trên 15% ở các nước Peru, Panama và Argentina và tỷ lệ này nằm trong khoảng từ 10% đến 11% đối với Brazil, Cộng hòa Dominican và Morocco. Tỷ lệ các câu hỏi không làm được đối với học sinh Việt Nam là nhỏ nhất (0,1%), tiếp theo là Bắc Kinh – Thượng Hải – Giang Tô – Chiết Giang (Trung Quốc), Hàn Quốc và Đài Bắc (Trung Quốc) với tỷ lệ từ 1,1% đến 1,3%.
Bảng so sánh vẫn vắng bóng Việt Nam
Tuy vậy, đến thời điểm này trong bảng so sánh với các nước vẫn chưa có sự xuất hiện của Việt Nam. Nguyên nhân, theo bà Lê Mỹ Hà là do báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Bởi vì, ban đầu OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang năm 2020 mới công bố, họ muốn dành thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam. Tuy nhiên, do sự phối hợp tích cực của phía Việt Nam trong quá trình xử lý số liệu nên đến tháng 9/2019 OECD đã đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng với các nước khác vào ngày 3/12/2019.
Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp (misfit) với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.
Trong quá trình phân tích, xử lý dữ liệu PISA của Việt Nam, OECD đã có những chất vấn, kiểm tra rất nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của việc tổ chức thực hiện PISA tại Việt Nam ở tất cả các công đoạn, đã cử Trưởng Ban Phân tích dữ liệu của OECD sang Việt Nam làm việc, thẩm định các quyển đề thi của học sinh, phỏng vấn các cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia PISA, xác minh dữ liệu.
Sau quá trình xác minh, thẩm tra, OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót về quá trình tổ chức thực hiện, hoặc thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm. Tuy nhiên, do kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, cho ra một mô hình khác biệt (misfit) với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính.
Được biết, hiện bài thi trên giấy vẫn được sử dụng ở 8 quốc gia khác cùng với Việt Nam. So sánh với các nước trên giấy, Việt Nam có mô hình hoàn toàn tương tự nhưng điểm khác biệt là kết quả của Việt Nam cao hơn rất nhiều.
Từ đây, vấn đề được TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GDĐT) đặt ra đó là cần quan tâm đến việc tiếp cận công nghệ hiện đại của thế giới trong dạy và học của Việt Nam. Việc làm bài thi trên giấy trong nhiều kỳ thi quan trọng đã không còn là mô hình phổ biến mà thế giới đang dần chuyển sang các bài thi trên máy tính với nhiều ưu điểm là biết kết quả ngay sau khi thi, học sinh làm quen với việc sử dụng công nghệ thông tin trong học tập và làm việc sau này… Hiện ở Việt Nam việc thi trên máy tính mới được áp dụng ở một số kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH tự tổ chức và sắp tới là kỳ thi THPT quốc gia cũng sẽ áp dụng việc thi trên máy tính. “Cần khuyến khích và tạo điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường phổ thông để ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập để học sinh được làm quen với máy vi tính một cách bài bản do các thầy cô giáo hướng dẫn, đào tạo…”- TS Lê Viết Khuyến kiến nghị.