SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT HOÀNG MAI
Những ngày thu Tháng 10, trong không khí se lạnh của tiết trời Hà Nội, ấm lên tình thầy trò, mái trường xưa khi chúng tôi thực hiện chuỗi sự kiện truyền lửa, chia sẻ kinh nghiệm của các cựu sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải (ĐH GTVT) với các sinh viên của Trường.
Những buổi tọa đàm với chủ đề “Đường tới thành công“ và “định hướng nghề nghiệp, học tập“ từ các anh chị cựu sinh viên của Trường hiện đang thành công trong và ngoài nước với các em sinh viên đang ngồi trên giảng đường thực sự đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin vào con đường các em đã chọn, về một tương lai rạng rỡ cho các thế hệ sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải nói riêng. Ngôi Trường đang có một mạng lưới các cựu sinh viên sinh sống và học tập ở rất nhiều các quốc gia phát triển như Pháp, Mỹ, Bỉ, Canada, những công dân toàn cầu Người Việt luôn đau đáu, trăn trở hướng về quê hương, đất nước.
Là sản phẩm kết hợp của 3 nền giáo dục Việt Nam – Pháp – Canada, TS Bùi Quang Hiển, cựu sinh viên Cầu Đường Pháp (CĐP) K40, Giám đốc Công Ty Tư Vấn và thiết kế Xây Dựng Stechco, Canada luôn khẳng định những thành công anh có ngày hôm nay đều là nhờ những kiến thức cơ bản, nền tảng mà anh đã được đào tạo ở Việt Nam, tại Khoa Công trình Trường ĐH GTVT.
Với PGS.TS. Nguyễn Quang Huy, cựu sinh viên CĐP K40 của Trường hiện đang là Phó Trưởng Khoa Xây dựng, Viện quốc gia về Khoa học ứng dụng Rennes, CH Pháp thì những năm tháng anh học tập tại Trường ĐHGTVT chính là bệ phóng cho anh có cơ hội tham gia chương trình trao đổi 2 giai đoạn giữa INSA Rennes và Trường ĐHGTVT thời đó.
Cũng là sản phẩm của 3 nền giáo dục: Việt Nam, Pháp và Úc, anh Huy có được những thành công như ngày hôm nay là nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng: cố gắng không đi học muộn, không bỏ học, dành thời gian cho việc học ở nhà, học 4 tiếng chưa đủ, chưa hiểu thì hãy dành 6 tiếng hoặc nhiều hơn để làm việc đó tới khi hiểu thì thôi.
Với anh Huy, các bạn sinh viên Việt Nam không nên lãng phí: lãng phí tiền học phí mình đã bỏ ra mà không học và lãng phí thời gian! Và đó chính là bí quyết thành công của anh, anh Huy chia sẻ.
Với TS Nguyễn Tiến Long, cựu sinh viên lớp CĐP K47 Trường ĐHGTVT, hiện là Giám đốc dự án công ty xây dựng Tractebel, thuộc tập đoàn Engie của Pháp thì các bạn sinh viên cần trang bị cho mình các kỹ năng mềm như khả năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp và đặc biệt cần có chuyên môn tốt và ngoại ngữ, một công cụ làm việc hữu ích để thành công.
Hết năm thứ 3 học tại Khoa công trình Trường ĐHGTVT, Tiến Long đi theo chương trình trao đổi của Trường và tiếp tục học tập tại INSA Pháp cho tới khi có bằng kỹ sư và Tiến sĩ tại INSA Rennes, CH Pháp và ĐH Nottingham, Anh. Cũng là kết quả của 3 chương trình giáo dục tại Việt Nam, Pháp, Anh, Tiến Long cũng khẳng định việc học tốt các môn học của Trường ĐHGTVT đã giúp Long nắm được 50% kiến thức học tập tại Pháp và Anh, chưa kể có những môn sinh viên Việt Nam còn học tốt hơn cả các bạn người bản xứ. Các kiến thức còn lại theo năm tháng cùng với sự nỗ lực và quyết tâm, chính là chìa khoá mở ra cánh cửa thành công cho anh ngày hôm nay.
Với Thạc sĩ Trần Song Bách, một sinh viên cũng bước ra thế giới từ cánh cửa trường ĐH GTVT thì để thành công, cần có mạng lưới bạn bè để cùng chia sẻ những lĩnh vực trong học tập và nghiên cứu. Sau 5 năm học đại học và thạc sĩ tại Pháp, hiện anh đang là kỹ sư kết cấu của Engineered Tower Solutions tại Las Vegas, Mỹ. Anh đang được làm đúng chuyên môn được đào tạo và công việc mà anh đam mê.
Khác với các sinh viên đến từ Khoa Công trình Trường ĐHGTVT, những người đang rất thành công tại các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Canada thì các cựu sinh viên chuyên ngành Cơ khí ô tô, Khoa Cơ khí lại đang có những hướng đi riêng: quay trở về Việt Nam làm việc trong những công ty và tập đoàn lớn của Ý về ô tô cũng như các thiết bị chiếu sáng tại sân bay.
Đó là câu chuyện của cựu sinh viên Tô Văn Huy. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Lille 1, CH Pháp, mặc dù có việc làm tốt tại Pháp nhưng em đã quyết định quay về khi ngành ô tô của Việt Nam đang có những bước đột phá. Với Huy, thành công chỉ đến với những người thực sự nỗ lực và nghiêm túc cho dù xuất phát điểm của bạn ở đâu. Và chính sự nỗ lực của cậu sinh viên học rất bình thường lớp cơ khí ô tô liên thông K16 Trường ĐHGTVT năm nào đã giúp anh chỉ sau 1 năm học tiếng Pháp tại CFOS- Trường đại học GTVT, 2 năm học thạc sĩ tại Pháp giờ Huy đã trở thành Phụ trách kỹ thuật, phòng sau bán hàng của hãng ô tô Ý Maserati, khu vực miền Bắc.
Khách mời ít tuổi nhất trong số các cựu sinh viên tại các buổi tọa đàm là cử nhân Trần Đức Anh, cựu sinh viên CFOS Trường ĐHGTVT. Tốt nghiệp ĐH Aix Marseille- Pháp ngành kỹ thuật cơ khi hiện đang làm việc tại công ty Vstechnologies về lĩnh vực đèn hàng không, Đức Anh đã chia sẻ: hãy sống và làm việc với đam mê của bạn vì khi được làm những việc mình yêu thích thì một ngày làm việc của bạn cho dù có dài và vất vả thì vẫn sẽ là một ngày tuyệt vời!
Bên cạnh những thành công, các khách mời của chương trình cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình học tập ở nước ngoài. Nếu như ở Việt Nam, khi mới bước chân vào cổng Trường ĐH, lạ lẫm với môi trường học tập mới, phương pháp học hoàn toàn khác với cấp 3, không ít sinh viên đã thất bại mặc dù được học bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình thì đối với du học sinh Việt Nam, khó khăn còn nhân lên gấp bội vì phải học kiến thức mới bằng vốn ngoại ngữ ít ỏi của mình. Tất cả các anh đều có một điểm chung là khoảng thời gian đầu khi học trên lớp không hiểu gì nhiều, chưa kể còn bị sốc văn hoá,… những khó khăn mà đến giờ nhìn lại ai cũng vẫn còn thấy sợ. Nhưng với lòng quyết tâm, đôi khi là chút sĩ diện và lòng tự hào dân tộc, vì không muốn thua bạn, kém bè, vì hai chữ Việt Nam mà tất cả đã vượt qua để có ngày hôm nay.
Và chúng tôi, những người đã từng dạy các thế hệ học trò, những người cũng góp một phần nhỏ bé của mình vào “Đường tới thành công “ của các cựu sinh viên Trường ĐHGTVT cảm nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc truyền lửa và giữ lửa cho các thế hệ sinh viên của Trường.
“Đường đến thành công “ chắc chắn sẽ không xa khi có đam mê nhiệt huyết của cả Thầy và Trò chúng tôi.
Cúc Nguyễn