Buổi học Câu lạc bộ văn học dân gian tại trường THCS Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: B.H |
“Phục dựng” hình ảnh trong bài thơ Tây Tiến
Tại Trường Trung học Phổ thông Quỳnh Lưu 1, huyện Quỳnh Lưu, với quan điểm “không áp lực điểm số mà vẫn để lại ấn tượng hết sức đặc biệt”, cô giáo Đặng Thị Thu Hiền, chủ nhiệm lớp 12 D1 đã tổ chức một tiết học ngoại khóa môn Văn học hết sức thú vị và ý nghĩa thông qua việc tái hiện một số hoạt động được mô tả trong bài thơ Tây Tiến. Từ ý tưởng của cô giáo, các học sinh trong lớp rất hào hứng tham gia và chủ động dàn dựng chương trình với nhiều nội dung như vẽ, hát, trình diễn trang phục của đồng bào các dân tộc, thuyết trình nội dung… Phần cuối của chương trình là giao lưu múa hát, nhảy sạp và thưởng thức những món ăn đặc trưng của vùng cao Tây Bắc mà các em đã tự tìm hiểu, chế biến mang lên lớp như cơm lam, thịt nướng… Lãnh đạo Nhà trường cho biết, để tổ chức một buổi ngoại khóa chất lượng khá kỳ công nhưng bù lại sẽ giúp học sinh có được sự hứng thú và yêu thích môn học. Chương trình là dịp để giáo viên có cơ hội nhìn nhận, đánh giá học sinh đúng đắn và chính xác hơn, rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò. P.V |
Vở kịch ngắn “Thầy bói xem voi” do những học sinh lớp 8B biểu diễn là một trong những nội dung thú vị đem đến sự hứng thú cho buổi sinh hoạt của CLB Văn học dân gian do Trường Trung học Cơ sở Diễn Kỷ, H. Diễn Châu tổ chức. Để dàn dựng tiết mục này, cô giáo Phạm Thu Hiền – phụ trách CLB cùng các học sinh của mình có hơn một tháng chuẩn bị. Trong đó, phần khó nhất là phải chuyển thể được toàn bộ nội dung của câu chuyện “Thầy bói xem voi” thành một vở kịch vui. Học sinh theo dõi vở kịch không chỉ nắm được tinh thần, nội dung cốt truyện mà còn được trải nghiệm cùng nhân vật và thực sự hào hứng với những tình tiết hài hước mà các em tự dàn dựng và xây dựng kịch bản.
Trường THCS Diễn Kỷ là một trong những trường được đánh giá cao về chất lượng giáo dục, đặc biệt là với môn Văn học. Cô giáo Nguyễn Quỳnh Liên, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Bộ môn Văn học giữ vị trí khá quan trọng trong các phân môn ở nhà trường phổ thông. Tuy nhiên hiện nay, số học sinh không thích môn Văn khá nhiều, dù qua đó có thể giúp các em hiểu sâu hơn về cuộc sống và rèn giũa các em cách diễn đạt, thể hiện tình cảm, bộc lộ suy nghĩ cảm xúc. Từ thực tế này, việc triển khai các hoạt động của CLB giúp học sinh đến gần hơn với môn Văn, các em có thêm nhiều hình thức cảm nhận khác nhau đồng thời giúp việc truyền tải nội dung bài học được dễ dàng. Ngoài CLB Văn học, Nhà trường còn có bảng tin môn Văn và khuyến khích các giáo viên sáng tạo, đổi mới trong phương pháp dạy học mới. Khoảng 2 – 3 tháng, CLB Văn học dân gian sẽ được tổ chức một lần với nhiều hình thức thể hiện.
Nhiều năm nay, mô hình các CLB khá phổ biến ở các trường phổ thông ở Nghệ An, đặc biệt là các CLB tiếng Anh, Toán học, Văn học. Thực tế cho thấy, để duy trì sinh hoạt CLB đều đặn rất khó vì còn vướng khá nhiều lịch học ở trường thế nhưng đây lại là hình thức thu hút được rất nhiều học sinh tham gia và đem lại hiệu quả tích cực.
Tại Trường THCS Tân Dân, H. Nam Đàn, Nhà trường xác định nâng cao chất lượng giáo dục trước hết cần đổi mới trong cách truyền đạt. Đến nay, trường đã thành lập được 6 CLB, trong đó CLB dân vũ thật sự hoạt động sôi nổi. Các em có điều kiện để thể hiện mình trước đám đông cũng như giảm áp lực sau những tiết học. Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng, Tổng Phụ trách Đội Trường THCS Tân Dân cho biết: Bên cạnh những giờ học văn hóa, việc tham gia vào các CLB tạo điều kiện cho học sinh có thêm kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và thể hiện trước đám đông. Những bài ca, điệu nhảy giúp các em giải phóng cơ thể, giải tỏa căng thẳng và có thêm tinh thần mới để học tập, thực sự “kéo” các em học sinh tập trung vào môn học. Đồng thời, góp phần đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng đổi mới, hội nhập cũng là chủ trương của ngành Giáo dục hiện nay.
B.THÙY – B.HUỆ