Có mặt tại tiết học Toán của thầy Phạm Thế Mạnh (trường THPT Yên Hòa, Hà Nội), mở đầu tiết học không phải là những câu học sinh quen thuộc như “mời bạn lên bảng kiểm tra bài cũ”, hay “hôm nay chúng ta học bài Toán này” mà là “Tối qua Manchester United đá như thế nào”?
Ngay lập tức, cả lớp học rôm rả cười nói về đội bóng hâm mộ của mình. Thầy Mạnh giới thiệu về “Quả bóng thần kỳ” bằng giấy đang cầm trên tay, luật chơi là học sinh sẽ truyền bóng theo điệu nhạc, khi nhạc dừng, bóng tới tay ai thì người đó sẽ bóc một lớp giấy trên quả bóng và trả lời câu hỏi bài cũ.
Một học sinh trong lớp thầy Mạnh, em Nguyễn Thu Trang chia sẻ: Sự gần gũi của thầy đã khiến chúng em dễ dàng chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống. Mọi khúc mắc của chúng em luôn được thầy sẵn sàng giải đáp, khuyên nhủ kịp thời.
Lớp học đầy cảm hứng của thầy Mạnh |
Gần 10 năm đi dạy, thầy Phạm Thế Mạnh luôn tâm niệm, việc gần gũi với học sinh sẽ thu hẹp khoảng cách giữa thầy và trò. Thực tế, có rất nhiều học sinh lo lắng, sợ hãi khi phải đối diện, nói chuyện với thầy cô giáo nên giảm đi rất nhiều hiệu quả trong giáo dục.
Riêng học trò của thầy Mạnh không chịu áp lực đó. Trong lớp của mình, học sinh có thể tương tác, liên lạc bằng nhiều hình thức, trong đó có mạng xã hội như: Facebook, Zalo hay trực tiếp trên lớp. Đặc biệt văn phòng Đoàn trường mà thầy Mạnh là bí thư luôn luôn chào đón các bạn học sinh.
‘Thầy giáo xì tin’ Phạm Thế Mạnh |
Ngoài ra, khi đã lên lớp, giáo viên cần bỏ lại những chuyện cá nhân cũng như những cảm xúc riêng và chỉ chú tâm vào lớp học, điều này sẽ tạo sự gần gũi, thân thiện với học học sinh – thầy Mạnh nói.
Tại trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, nhiều học sinh gọi thầy Phạm Thế Mạnh là “bố”, hóm hỉnh hơn là “đại ca”. Với các học sinh tại đây, thầy Mạnh không chỉ là một giáo viên dạy Toán, giáo viên chủ nhiệm mà hơn hết còn giống như một người anh, người chú, chuyên gia tư vấn tâm lý, giải đáp mọi thắc mắc khi các em cần.
Thầy Mạnh là MC nổi tiếng của trường Yên Hòa |
Với học sinh, thầy Mạnh không chỉ là thầy giáo, mà còn giống như một người bạn, người thân trong gia đình. Bởi sự gần gũi của thầy, nên học sinh cảm thấy dễ dàng chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống.
Chia sẻ về điều này, thầy Phạm Thế Mạnh cho biết: Với tôi điều quan trọng nhất không phải là giấy khen hay thành tích mà là dấu ấn trong trái tim các thế hệ học trò. Nhưng cũng đừng gọi tôi là chuyên gia tâm lý, tôi chỉ đang cố gắng để gần gũi, hiểu và chia sẻ với các em nhiều hơn.
Thầy Mạnh hiện là bí thư đoàn trường |
Việc các em có những rung động đầu đời là chuyện dễ hiểu, và thầy phải đóng vai trò của “chị Thanh Tâm” cũng là chuyện thường gặp. Lúc này, nhiệm vụ quan trọng của giáo viên là cần định hướng, tư vấn cho các em kịp thời.
“Trong các lớp không thể tránh được việc bạn này có tình cảm với bạn kia. Nhiều phụ huynh ngăn cấm, nhưng tôi cho rằng cần tìm cách biến những điều tưởng như không tốt thành động lực cho các em phấn đấu”.
Được đánh giá cao bởi ý tưởng và mô hình Lớp học Toán khơi gợi cảm xúc tích cực, thầy Phạm Thế Mạnh cũng là một trong số những giáo viên được nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2018.