TRỌN ĐỜI SAY MÊ VỚI NGHỀ GIÁO - Trường THPT Hoàng Mai

TRỌN ĐỜI SAY MÊ VỚI NGHỀ GIÁO

Nếu cuốn hồi ký “Tôi đi học” kể về những năm tháng cậu bé Nguyễn Ngọc Ký đến trường với đôi chân kỳ diệu như thế nào, thì ở tập sách này bạn đọc sẽ được gặp một thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký với nhiều tâm huyết dành cho nghề dạy học. Những kỷ niệm đẹp, câu chuyện xúc động và cả những triết lý giáo dục sâu sắc của ông được gửi gắm toàn bộ vào những trang sách. Ở tuổi 70, đang phải hằng ngày chống chọi với căn bệnh suy thận nhưng ông vẫn sẵn sàng tham gia những buổi nói chuyện cùng các thầy cô và học sinh. Bất cứ khi nào sức khỏe cho phép, thầy Ký vẫn đến những nơi mà các thầy và trò cần đến mình, tiếp thêm động lực giúp nhà trường vượt qua những khó khăn trong dạy và học. Tính đến ngày 27-2-2017, thầy đã được mời tới 27 tỉnh, thành phố trong cả nước với 1.531 buổi gặp gỡ, nói chuyện cùng học sinh, sinh viên. “Mỗi mái trường từng đến là một kỷ niệm khó quên, cho tôi những bài học quý giá mà mình không thể tìm thấy trong sách báo”, thầy Nguyễn Ngọc Ký tâm sự. Thấy cha ham đi các con thầy nhiều lần phản đối, đề nghị ông nghỉ ngơi, dưỡng bệnh vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Song thầy khẳng định: “Tôi nói với các con rằng, chính những hoạt động đầy đam mê đó đã giúp tôi vượt qua bệnh tật, mọi khoảnh khắc ngặt nghèo để có hôm nay. Không chỉ góp phần truyền lửa cho thế hệ trẻ, mà chính những tâm hồn trẻ trung nồng cháy đó đã tiếp thêm ngọn lửa yêu đời, ham sống cho tôi“.


Bìa cuốn hồi ký “Tâm huyết trao đời” của NGƯT, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký.

Có một câu hỏi rất nhiều người muốn biết, là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký khi đứng trên bục giảng sẽ dùng đôi chân như thế nào, liệu có khái niệm bảng đen phấn trắng với ông không hay làm thế nào để các học trò lĩnh hội kiến thức từ các bài giảng. Tất cả những điều đó được thầy giải đáp trong hẳn một chương sách. Ông nói về những băn khoăn của người thầy không còn đôi tay, làm thế nào để học sinh không thiệt thòi, được nhìn thấy nội dung bài giảng trên bảng đen. “Nếu không tìm ra cách viết bảng, tôi cảm thấy mình như có lỗi. Khi đó các em sẽ chỉ được nghe mà không được nhìn, ấn tượng về bài học sẽ giảm. Học trò liệu có thấy nhàm chán tẻ nhạt không? Nếu không có cách khắc phục, không khéo tiết dạy của tôi sẽ chỉ là nói chuyện văn chứ không phải dạy văn“. Sau nhiều ngày tháng nghiên cứu, mày mò, thầy Ký đã tìm ra được một cách viết bảng ưng ý nhất. Hai tấm bìa giấy cứng và hệ thống dây cân bằng trọng lực là những gì thầy nghiên cứu ra, là “giáo cụ” của riêng người thầy bị liệt hai tay, dẫn dắt bao lớp học trò vào thế giới của văn chương. Những buổi dạy văn của thầy thật sự đã trở thành một nỗi nhớ, một kỷ niệm không bao giờ quên trong lòng các học trò yêu dấu. Trong xã hội hiện đại, mặt trái của đời sống thị trường ít nhiều đã ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, đến một bộ phận không ít thầy cô. Song ở thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, luôn tràn đầy tình yêu hồn nhiên, trong sáng ông dành cho nghề. Với ông, tình thầy trò vĩnh viễn là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất như ông từng viết: Ơi đàn chim nhỏ của tôi/ Các em là những hoa tươi mới trồng/ Các em là ánh mai hồng/ Là chồi non biếc là dòng suối tơ/ Với em tôi cất lời thơ/ Vì em tôi nguyện say sưa suốt đời.

Trong cuốn hồi ký “Tâm huyết trao đời”, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký không chỉ kể chuyện dạy học, mà còn kể chuyện tình yêu, chuyện gia đình rất hóm hỉnh, duyên dáng. Câu chuyện tình yêu với cô giáo N, sau trở thành người vợ hiền của ông được kể lại với một niềm biết ơn vô hạn. Ngày cưới của hai vợ chồng nhà giáo giản dị mà xúc động, rồi giây phút đứa con đầu chào đời tiếp thêm bao sức mạnh cho gia đình nhỏ. Không có đôi tay, nhưng đôi chân thầy Ký có thể làm hầu hết mọi việc. Ông chăm con như một người mẹ, từ việc xay, nấu bột, đút cháo cho bé ăn. Rồi giặt quần áo, thậm chí thêu thùa, vá may…, những việc mà ai cũng ngỡ rằng không thể.

Đọc hồi ký, để hiểu thêm về cuộc đời một con người. NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã sống những năm tháng đặc biệt, bởi những công việc thật đặc biệt ông đã làm, đã trải qua. Những câu chuyện cảm động được chính ngòi bút của ông kể lại sẽ tiếp thêm cảm hứng sống cho những người cùng cảnh ngộ, những ai đang phải gánh chịu sự không may của số phận. Vượt lên trên hoàn cảnh sống khó khăn để hái trái ngọt mà cuộc đời ban tặng, là thông điệp sâu sắc mà thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký muốn gửi gắm qua cuốn sách nhỏ của mình.

Theo Nhân Dân