SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT HOÀNG MAI
Năm 2018, các trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, công bố trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, nếu các trường ĐH tốp trên hạ điểm sàn quá thấp sẽ làm mất cơ hội của thí sinh
Chưa thi đã có… điểm sàn
Cũng như Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, một số trường khác cũng sớm đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH năm 2018.
Tại Hà Nội, Trường ĐH Thương mại đặt ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) đối với TS tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có tổng điểm 3 bài thi/môn thi từ 16 (bao gồm cả điểm ưu tiên). Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng cũng công bố ngưỡng điểm xét tuyển đối với TS thi THPT quốc gia 2018 có kết quả điểm thi 3 môn từ 18 trở lên.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 Ảnh: TẤN THẠNH
Hiện chưa thể đánh giá mức điểm các trường trên đưa ra là cao hay thấp nhưng việc định điểm sàn sát với điểm trúng tuyển sẽ giúp TS sử dụng các nguyện vọng tốt hơn. Tuy nhiên, liệu mức điểm xét tuyển mà các trường công bố đã thực sự sát với điểm trúng tuyển?
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết năm 2017, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mức điểm sàn chung cho các tổ hợp xét tuyển là 15,5, trường công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 19 với hệ đại trà, 18 với hệ chất lượng cao. Ngay lập tức, 10.000/43.000 TS rút nguyện vọng do có mức điểm thấp hơn.
“Khi trường đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển thì có nhiều ý kiến nói rằng trường cầm đèn chạy trước ô tô, là vi phạm quy chế tuyển sinh vì TS được quyền nộp vào bất cứ trường nào khi điểm thi đạt từ điểm sàn trở lên. Thế nhưng, thực tế thì những TS có điểm thi dưới ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của trường sẽ không có cơ hội trúng tuyển vào trường. Nếu trường không đưa ra điểm sàn sẽ làm uổng phí nguyện vọng của TS” – ông Dũng giải thích.
Cùng với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM cũng công bố mức điểm xét tuyển đối với các ngành, tổ hợp môn của cơ sở TP HCM là 18 và 20, tùy ngành. Kết quả, điểm chuẩn năm 2017 của trường là từ 18,25 trở lên.
Cần có trách nhiệm với TS
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào chung cho các trường ĐH (trừ trường sư phạm) mà các trường tự xác định, công bố trước khi TS điều chỉnh nguyện vọng.
Việc công bố ngưỡng điểm xét tuyển đối với các trường, đặc biệt là trường tốp trên, rất quan trọng không những với TS mà còn với những trường ĐH khác chịu ảnh hưởng. Do đó, các trường này cần định mức điểm sàn hợp lý để tránh tình trạng vơ vét TS của trường khác và quan trọng hơn là đánh mất cơ hội của TS.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cho phép TS được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi. Việc các trường quy định ngưỡng điểm xét tuyển sát với điểm trúng tuyển sẽ giúp TS điều chỉnh nguyện vọng kịp thời để có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Theo ông Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, khi TS được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi, các trường, đặc biệt là trường tốp trên, cũng nên công bố ngưỡng điểm xét tuyển vào trường để những TS có mức điểm thấp hơn điều chỉnh sang trường khác. “Không công bố, các trường cũng không tăng nguồn tuyển mà ngược lại, chỉ làm uổng phí nguyện vọng của TS” – ông Lý nhấn mạnh.
Nguồn: nld.com.vn