DẠY HỌC TRỰC TUYẾN: KHÔNG CẦN "HỌC NHIỀU GIỜ" MÀ CẦN "GIỜ HỌC CHẤT LƯỢNG" - Trường THPT Hoàng Mai

DẠY HỌC TRỰC TUYẾN: KHÔNG CẦN “HỌC NHIỀU GIỜ” MÀ CẦN “GIỜ HỌC CHẤT LƯỢNG”

Các chuyên gia đều cho rằng, giáo viên và nhà trường cần thay đổi quan điểm từ “nhiều giờ học” sang “giờ học chất lượng” khi dạy học trực tuyến. Việc thiết kế thời khóa biểu cũng cần phải cân nhắc dựa trên đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Trong 2 năm qua, khi đại dịch Covid-19 ập đến, việc chưa có sự chuẩn bị và phải chuyển sang học trực tuyến một cách bị động là điều khiến nhiều giáo viên và nhà trường băn khoăn.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục và TS. Nguyễn Quang Tiệp – Trưởng Bộ môn Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), đối với các giáo viên lớp 1, điều này sẽ càng vất vả hơn khi lứa học sinh năm nay chưa một lần được đến trường, chưa làm quen với thầy cô và bè bạn.

Do đó, thầy cô và nhà trường phải có những chuẩn bị kỹ càng để triển khai dạy học trực tuyến đồng bộ và hiệu quả.

Bê kịch bản học trực tiếp để dạy trực tuyến là “nắm chắc thất bại”

Cụ thể, theo TS. Nguyễn Quang Tiệp, trước khi bắt đầu năm học mới, nhà trường và giáo viên cần có ý tưởng để cấu trúc lại chương trình, có kịch bản dài hơi cho năm học và tính đến nhiều phương án, trong đó có học trực tuyến, kể cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Ngoài ra, cần có kế hoạch chi tiết tới từng môn và bài học.

Bởi lẽ, với dạy học trực tiếp, giáo viên rất thuận lợi trong việc hỗ trợ học sinh, có sự tương tác qua từng ánh mặt, cử chỉ để nâng đỡ học trò. Nhưng với hình thức trực tuyến, việc thực hiện những điều đó đều rất khó khăn.

Do đó, những bài học theo hình thức trực tuyến cần phải được cấu trúc hợp lý, giáo viên có thể lựa chọn được những nội dung kiến thức trong tâm, phù hợp cho hình thức dạy học trực tuyến; đồng thời, cần phải trực quan, hấp dẫn, lôi cuốn trẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (phải)·và TS. Nguyễn Quang Tiệp – Trưởng Bộ môn Giáo dục Tiểu học (trái) – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Cũng theo TS Tiệp, với học sinh lớp 1, việc học trực tuyến có thể tập trung vào nội dung kiến thức liên quan đến môn Tiếng Việt để hình thành 4 kỹ năng cơ bản nghe – nói – đọc – viết và kỹ năng tính toán cơ bản, phù hợp với yêu cầu cốt lõi thể hiện trong môn Toán.

Đối với các kiến thức về khoa học tự nhiên, xã hội, đạo đức, mỹ thuật, giáo viên có thể thiết kế đơn giản, nhẹ nhàng để hướng dẫn trẻ thực hiện ngoài giờ học trực tuyến.

Ngoài ra, kế hoạch học tập trực tuyến cũng cần được sắp xếp phù hợp hơn, chỉ nên dạy 1 buổi trong ngày, 1 ngày không quá 2 giờ học trực tuyến để hạn chế việc trẻ tiếp xúc quá lâu với máy tính.

“Việc bê nguyên ý tưởng, kịch bản dạy học trực tiếp sang trực tuyến là một điều tối kỵ. Nếu làm như thế, thầy cô đã nắm chắc phần thất bại trong tay”, TS Tiệp nói.

Theo TS Tiệp, khi thiết kế bài học trực tuyến, giáo viên cần lượng hóa nội dung trọng tâm của bài học. Nội dung trọng tâm này có thể chỉ chuyển tải tới học sinh trong vòng 10 – 15 phút ở thời điểm sự tập trung chú ý của trẻ ở mức cao nhất trong tiết học.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng, vì khoảng chú ý của học sinh lớp 1 không dài quá 15 phút. Để bài giảng không quá tải với học sinh, chỉ nên giới hạn lại thời gian cho mỗi phiên học kéo dài 15 phút làm việc với màn hình, nghỉ 5 phút và tiếp tục một phiên học 15 phút khác. Sau 4 phiên như vậy sẽ nghỉ.

“Việc học online như vậy sẽ năng suất và hiệu quả hơn theo phương pháp Pomodoro. Chúng ta cũng cần thay đổi quan điểm từ “nhiều giờ học” sang “giờ học chất lượng”. Việc thiết kế thời khóa biểu, thiết kế các phiên học phải được cân nhắc dựa trên các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

“Trò chơi hóa” hoạt động học tập

Cũng theo các chuyên gia, với học sinh lớp 1, trong thời gian đầu tiên, thầy cô cần tổ chức những buổi trò chuyện, chia sẻ về thói quen, sở thích của trẻ để tạo sự gần gũi và giúp trẻ có thể tương tác với nhau,… nhờ đó, giờ học với trẻ sẽ bớt nặng nề.

Ngoài ra, giáo viên có thể tận dụng công nghệ để “trò chơi hóa” mọi hoạt động học tập, nhằm kích hoạt sự chú ý, hứng thú và tập trung của trẻ.

Chẳng hạn, sử dụng các phần mềm đơn giản để thiết kế hoạt động trò chơi, tăng cường hoạt động tương tác cho trẻ như quizz. Và dù sử dụng ứng dụng gì, giáo viên cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc: Đơn giản, dễ sử dụng, không chỉ đối với các con mà cả cha mẹ học sinh.

Giáo viên cũng không nên bỏ sót học sinh mà cần tăng cường tuyên dương, gọi tên học sinh trong quá trình học tập.

Để thu hút sự chú ý của học sinh, giáo viên cần làm chủ một số kỹ thuật thu hút và tương tác như trao đổi với trẻ, chia nhóm để thảo luận, tổ chức dạy học theo hình thức tương tác giữa học sinh với học sinh,…

Theo các chuyên gia, việc thiết kế thời khóa biểu cũng cần phải cân nhắc dựa trên đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Một điểm quan trọng không kém, học sinh lớp 1 cần được tạo điều kiện để vận động thường xuyên, qua đó phát triển các kỹ năng vận động tinh và phối hợp tay mắt. Vì vậy, giáo viên phải rất chú ý đến các hoạt động thể chất xen giữa các tiết dạy của mình, tạo điều kiện cho trẻ được đứng lên khỏi chỗ ngồi và làm một số động tác theo hướng dẫn.

Giáo viên cũng cần dành tuần đầu tiên để xây dựng mối quan hệ với cha mẹ, thống nhất về nội quy lớp học, hướng dẫn cha mẹ thực hiện các hoạt động chuẩn bị tại gia đình như cách để giúp trẻ trở thành một học sinh độc lập, khuyến khích trẻ thực hiện các nhiệm vụ ở nhà, hình thành thói quen học tập cho trẻ.

Giáo viên cũng cần thường xuyên kết nối với cha mẹ để cung cấp thông tin, kịp thời điều chỉnh nội dung và hoạt động phù hợp với tiến độ, năng lực hoạt động của trẻ.

Theo các chuyên gia, giáo viên phải ý thức được việc học online khó khăn hơn nên việc hướng dẫn học sinh cần chậm hơn bình thường. Do đó, thầy cô cần tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho học sinh vì điều đó sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập của trẻ.

Thúy Nga