"MANG CUỘC SỐNG VÀO BÀI HỌC - ĐƯA BÀI HỌC VÀO CUỘC SỐNG" - Trường THPT Hoàng Mai

“MANG CUỘC SỐNG VÀO BÀI HỌC – ĐƯA BÀI HỌC VÀO CUỘC SỐNG”

Đây là slogan, là tư tưởng thống nhất và xuyên suốt của Bộ sách giáo khoa (SGK) mang tên “Cánh diều” chính thức được ra mắt chiều 17/12 tại Hà Nội. “Cánh diều” là thành quả hợp tác giữa Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Công ty CP Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam.

Tại Tọa đàm giới thiệu Bộ SGK “Cánh diều”, ông Nguyễn Bá Cường – Giám đốc NXB Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Bộ SGK lớp 1 (Bộ SGK “Cánh diều”) biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT ngày 21/11/2019.
Nói về những đặc điểm nổi bật của bộ sách, Giám đốc NXB Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: Đây là bộ SGK xã hội hóa đầu tiên hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Bộ sách này có 100% bản mẫu được các hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỷ lệ phiếu đồng thuận đạt tuyệt đối. Là bộ SGK duy nhất hiện nay đầy đủ tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Được biên soạn trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương “thực học, thực nghiệm” và bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ sách quy tụ được hầu hết chuyên gia Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Theo PGS. TS. Đặng Xuân Thư, Hiệu phó Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bộ sách đặc biệt quán triệt sâu sắc Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 29-NQ/TW về “xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm” với quan điểm biên soạn thống nhất, xuyên suốt: “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”. Tư tưởng cốt lõi đó của bộ sách sẽ giúp cho học sinh có điều kiện tốt hơn để phát triển năng lực và phẩm chất đạo đức.

PGS. TS. Đặng Xuân Thư, Hiệu phó Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, PGS. TS. Đặng Xuân Thư biểu dương và chúc mừng thành công mới của NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Công ty CP Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam đã cùng hợp tác để xây dựng Bộ SGK lớp 1 trọn vẹn, đầy đủ, được xuất bản và sử dụng trong các trường tiểu học trên toàn quốc.
Lãnh đạo Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ mong muốn NXB Đại học Sư phạm tiếp tục đề cao và thực hiện sứ mệnh giáo dục, tăng cường kết nối với các cơ sở đào tạo giáo dục để SGK, tài liệu có chất lượng đến được đông đảo các thầy, cô giáo và học sinh trên toàn quốc.
Trong phần tọa đàm, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên Sách Tiếng Việt 1 của Bộ SKG mới chia sẻ, tên của bộ sách có nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Cánh diều gắn với tuổi học trò nhiều ước mơ bay bổng. Mọi bài học trong sách đều gắn với thực tiễn cuộc sống như cánh diều gắn với mặt đất bằng dây diều. Hơn nữa, bộ sách giúp học sinh có cơ hội bay cao trên bầu trời tri thức bao la “như diều gặp gió”.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên Sách Tiếng Việt 1 chia sẻ tại tọa đàm

.
Đánh giá chung về Bộ SGK “Cánh diều”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, bộ SGK lớp 1 gồm đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm 2020 – 2021. Tác giả SGK là những nhà giáo, nhà khoa học có uy tín trong giáo dục phổ thông, có kinh nghiệm và năng lực biên soạn SGK, đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu à cơ sở giáo dục.
Từ chương trình khung đã được phê duyệt, việc chuyển tải nội dung cốt lõi nhất vào Bộ SGK “Cánh diều” là cả một câu chuyện. Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông mới được xác định là chương trình phát triển toàn diện phẩm chất cho người học. Nếu như chương trình hiện hành tập trung trả lời cho câu hỏi “học sinh học xong chương trình này, học sinh biết được những gì?”, thì chương trình mới năm 2018 trả lời cho câu hỏi “học sinh học xong làm được gì?”.
“Đối với SGK Tiếng 1, chúng tôi đã hết sức cố gắng để thể hiện trung thành mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Bộ sách tập trung phát triển năng lực đặc thù, chủ yếu là ngôn ngữ, tức là phát triển 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; đồng thời phát triển năng lực tự chủ, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Còn về phẩm chất, tất cả các môn đều góp phần phát triển 5 phẩm chất chủ yếu của học sinh: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, SGK lớp 1 “Cánh diều” kế thừa rất nhiều SGK hiện hành và nhờ thế ông tin chắc tất cả các thầy, các cô đang dạy lớp 1 hiện nay cầm cuốn sách này là dạy được ngay, rất ít người cần phải tập huấn bởi bộ sách này kế thừa mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Bộ sách cũng gồm 3 phần là dạy chữ, dạy vần và luyện tập tổng hợp.
Nói về những điểm phát triển so với SGK Tiếng Việt hiện hành, ông Nguyễn Minh Thuyết cho hay, nhóm tác giả chủ trương chỉ dạy nhóm nét chữ để học sinh dễ học, chứ không dạy ngay từ đầu như sách hiện hành.
“Ngay từ đầu, chúng tôi tận dụng những chữ/vần học sinh đã học tạo ra bài đọc tương đối dài từ 6 – 7 tiếng đến 20 tiếng. SGK mới cũng có những bài chính tả ngay từ tuần 27. Rèn cho học sinh nói và nghe thông qua kể truyện. Đặc biệt, trong phần luyện tập tổng hợp mỗi tuần chúng tôi dành ra 2 tiết tự đọc sách để hình thành nếp đọc sách và năng lực của học sinh.
Điểm mới cuối cùng là trong phần luyện tập tổng hợp, mỗi 1 tuần chúng tôi dành 1 tiết sáng tạo để các em vận dụng những điều đã học vào việc làm ra các sản phẩm như viết bưu thiếp tặng người thân, sưu tầm ảnh về thiên nhiên và có một vài lời tự giới thiệu… nhằm giúp học sinh đưa bài học vào cuộc sống”, ông Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu.

Ông Đỗ Đức Thái – Chủ biên SGK Toán 1 giới thiệu những điểm ưu việt của SGK Toán 1

.
Trả lời câu hỏi của khách mời tại tọa đàm về SGK Toán 1, “chủ biên đã làm gì để giảm lý thuyết và gắn với thực tiễn như tư tưởng chủ đạo của bộ sách nhằm giúp học sinh dễ dàng vượt qua khó khăn?”, ông Đỗ Đức Thái – Chủ biên SGK Toán 1 cho biết, giáo dục toán học ở trường phổ thông, mặc dù môn Toán chỉ là 1 trong số 8 – 9 môn học nhưng rõ ràng ảnh hưởng Toán học đối với giáo dục phổ thông cũng như ảnh hưởng của việc thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới về môn Toán đối với sự thành công của toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới là rất lớn.
“Sự chuyển đổi căn bản giữa tư tưởng, triết lý của chương trình môn toán hiện hành và với chương trình toán năm 2018 có những thay đổi rất lớn, có tính chất cách mạng trong chương trình môn Toán mới. Điểm thành công lớn nhất của sách SGK Toán mới là nó được viết ra bởi những người chấp bút ra chính chương trình Toán mới. Chúng tôi “đẻ” ra môn Toán nên hiểu rõ đứa con tinh thần của mình có những gì, chỗ nào cần xử lý để đảm bảo đúng tinh thần xuyên suốt của bộ sách”, ông Thái phân tích.
Theo đánh giá của ông Thái, chương trình toán học phổ thông hiện hành, đặc biệt với tiểu học, đang quá tải, và rất nặng. SGK toán tiểu học hiện hành khó đến mức để có thể hiểu hết nó phải là các giáo sư toán học có trình độ tương đối tốt.
Ông lấy ví dụ, trẻ con 6 tuổi đọc viết chưa thạo, cô phải xúc cho ăn, nhưng được xây dựng tập số tự nhiên bằng cả hai loại tiên đề; rồi số liền trước, liền sau. Nguyên tắc học hình học phải từ những cái cụ thể, rồi mới đến trừu tượng, nhưng trẻ con bây giờ phải học luôn đường thẳng.
“Điều này dẫn tới thực tế không thể phủ nhận và là động lực để cải cách môn Toán, đó là môn Toán đã trở thành nỗi khiếp đảm của nhiều trẻ em, không thấy niềm vui nữa khi học Toán. Với cách đó, chúng ta đã giết chết giáo dục phổ thông từ trong trứng”, ông Thái nhấn mạnh.
Quyển SGK lớp 1 và sau này là các lớp khác của chúng tôi phải thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đó là thực sự giảm tải, giảm tải một cách hợp lý, phải làm sao mỗi giờ học toán là một giờ vui, chứ không phải là sự hãi hùng.
Với SGK Toán 1 của “Cánh diều”, từng bài học được thiết kế để cho người giáo viên có thể tổ chức được các hoạt động học tập một cách sáng sủa và theo đúng tiến trình sư phạm, theo đúng năng lực nhận thức của học sinh. Đây là sự đóng góp lớn của các tác giả và cũng là kinh nghiệm gắn bó mấy chục năm với nhà trường của nhóm tác giả.

Nhóm tác giả Bộ SGK “Cánh diều” giải đáp nhiều câu hỏi từ phía khách mời.

Chủ trương của nhóm tác giả là muốn mở toang cánh cửa nhà trường để cuộc sống tràn vào nhà trường và nhà trường phải gắn với cuộc sống, để giải quyết được những vấn đề thực tiễn cuộc sống sau này.
“Tôi rất tâm đắc với slogan của bộ SGK mà NXB Đại học Sư phạm Hà Nội đưa vào, đó là “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”. SGK Toán 1 đã thấm đẫm tinh thần này và được viết trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học sinh có thể tự học được dưới sự giúp đỡ của người thân, dưới sự dạy dỗ của các thầy – cô giáo. Đây là điểm khác với SGK hiện hành”, ông Thái chia sẻ.
Ngoài môn Toán và Tiếng Việt, “Cánh diều” còn có các cuốn Đạo đức, Tự nhiên & Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật và Hoạt động trải nghiệm. Bộ SGK này đã được dạy thử nghiệm thành công tại 2 trường ở Hà Nội; được các thầy, cô giáo cũng như các em học sinh đánh giá cao và mong muốn được tiếp tục dùng bộ sách này trong thời gian tới.
Nguồn: DNVN